Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn
Tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 6/6, định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm.
Đặt câu hỏi với lãnh đạo Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn, có sự phát triển vượt bậc, đại biểu Nga muốn nghe đánh giá của Phó Thủ tướng về cơ hội của Việt Nam khi tham gia vào ngành công nghiệp hấp dẫn này.
"Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?", bà Nga đặt vấn đề.
Trả lời, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định Việt Nam là nước có nhiều lợi thế, trong đó kinh tế số vừa qua phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng 12-15%/năm.
Người Việt cũng có nhiều tố chất (yêu toán, khéo léo…) để tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn và việc đào tạo các chuyên ngành liên quan tới công nghệ thông tin, theo ông Hà, vừa qua cũng được chú trọng.
Từ những lợi thế ấy, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam có cơ hội tham gia sâu ngành công nghiệp bán dẫn.
Để tận dụng cơ hội, theo Phó thủ tướng, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ để đáp ứng nhu cầu.
Ông lưu ý trong đào tạo nhân lực cần chú trọng đào tạo lại, đào tạo tại chỗ các kỹ sư để họ tiếp cận ngay, tham gia vào chuỗi sản xuất ở các khâu như đóng gói, kiểm chuẩn… Đi kèm với đó là đào tạo chuyên sâu để họ tham gia vào các khâu sản xuất chuyên sâu hơn, cốt lõi.
Theo ông Hà, bên cạnh việc đưa ra cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chip bán dẫn, Chính phủ đã có chủ trương chọn các trường đại học, xây dựng trung tâm chip bán dẫn… để tận dụng cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất lĩnh vực công nghệ cao này.
Về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách để Việt Nam có thể xây dựng, nghiên cứu sâu hơn về công nghệ lõi - lĩnh vực các nước phát triển đều nắm bản quyền, không chuyển giao.
Để sản xuất thử chip có thể tốn tới 7 tỷ USD
Tranh luận về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá Việt Nam cũng có cơ hội và từng kỳ vọng đón lấy cơ hội trở thành "miền đất hứa" thu hút ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, với câu trả lời trước đó, đại biểu cho rằng Phó thủ tướng mới nêu lên được lợi thế, tiềm năng trong đó có nguồn nhân lực, còn làm sao để tận dụng lợi thế sớm nhất, nhanh nhất, biến tiềm năng thành lợi thế thì chưa rõ.
Ông lấy ví dụ Trung Quốc đã bỏ ra 45,5 tỷ USD, Hàn Quốc bỏ hơn 7 tỷ USD để hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp công nghiệp bán sản phẩm cho Mỹ sử dụng, nhưng bán trong nước lại… "không ai mua", vậy cơ chế nào để khuyến khích và khơi dậy nội lực?
Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận Việt Nam có lợi thế vì được các nước đang làm chủ thiết bị đến thiết kế, các nước làm chủ công nghệ liên quan đến sản xuất, quan tâm và ưu tiên.
"Họ có thể chuyển cho chúng ta một phần công nghệ", Phó thủ tướng cho biết.
Để nắm bắt, làm chủ công nghệ sản xuất, Phó thủ tướng nhấn mạnh phải nghiên cứu cơ bản, với rất nhiều khâu khác nhau và triển khai lâu dài.
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng một số trung tâm khoa học công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển khâu nghiên cứu cơ bản để làm chủ được các bước.
Những khoản đầu tư này rất lớn ví dụ như đầu tư khu vực sản xuất thử, có thể sản xuất hàng trăm lần mới ra được 1 sản phẩm chip đạt được yêu cầu, riêng khâu sản xuất thử phải đầu tư 7 tỷ USD.
Do đó, cần phải có Nhà nước tham gia và gắn với đặt hàng từ khối doanh nghiệp.
"Có cung thì mới có cầu, mới đầu tư được. Không đơn giản chỉ là sản xuất chip. Nếu chip đó đắt quá thì cũng không cạnh tranh được với sự phát triển của các thị trường lớn" - ông Hà nói.
Nội dung chất vấn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng
Phiên chất vấn của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kết thúc với 52 đại biểu đăng ký chất vấn. Đây cũng là phiên cuối cùng trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Quốc hội khóa 15 với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu (trong đó 162 lượt chất vấn 31 lượt tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị những đại biểu này gửi câu hỏi đến Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá các nội dung chất vấn đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua đây, hoạt động chất vấn tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Ông đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để phát huy những kết quả đạt được và tập trung khắc phục hạn chế trong từng lĩnh vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận