Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công văn hỏa tốc đến VKSND Tối cao đề nghị xem xét giải quyết theo quy định và báo cáo kết quả. |
Sáng nay 13/12, trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Loan (51 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) giọng nghẹn ngào chia sẻ: “ Tôi đã nhận được công văn phản hồi của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét giải quyết đơn khiếu nại việc con trai tôi là Hồ Duy Hải bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM tuyên án tử hình trong vụ án giết 2 nữ nhân viên rồi cướp của xảy ra tại bưu điện Cầu Voi (Long An). Gia đình tôi vô cùng mừng vui vì tôi còn có cơ hội được kêu oan cho con".
Công văn “Hỏa tốc” của Văn phòng Chính phủ gởi VKS nhân dân tối cao nêu rõ “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Loan đề nghị xem xét lại bản án Hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM tuyên phạt tử hình Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An".
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963, ấp 1, xã Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An) đề nghị xét xét lại bản án Hình sự Phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM tuyên phạt Hồ Duy Hải tử hình về 2 tội danh: “giết người”, “cướp tài sản”, trong vụ án tại Bưu điện Cầu Voi (Thủ Thừa, Long An).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Loan đến VKSND Tối cao để giải quyết theo quy định và báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Ngày 7/12, bà Loan cũng đã gửi Đơn kêu oan khẩn cấp đến Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang. Nội dung đơn cho rằng quá trình điều tra, xét xử có nhiều sai phạm, không khách quan, trong khi con bà có dấu hiệu oan sai, ngoại phạm rất rõ ràng.
Theo đơn kêu oan của bà Loan, có 5 vấn đề liên quan đến vụ án mà cơ quan tố tụng buộc tội con bà có dấu hiệu oan sai: thứ nhất, trong vụ án này Hồ Duy Hải không bị bắt quả tang, mà chỉ bị bắt sau hơn hai tháng, khi bắt không có nguyên nhân liên quan. Vụ án cũng không có nhân chứng nào nhìn thấy kẻ gây án hay xác nhận nhìn thấy Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi.
Thứ hai, theo kết quả giám định pháp y cả 10 dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là dấu vân tay của hung thủ được thu giữ tại hiện trường.
Thứ ba, mặc dù bản án kết luận Hồ Duy Hải đã dùng hung khí là dao, thớt và ghế cắt cổ hai nạn nhân đến chết và để lại hung khí ngay tại hiện trường. Nhưng trong quá trình khám nghiệm hiện trường sau khi vụ án xảy ra, không hề thu giữ được hay phát hiện bất kỳ tang vật nào như vậy. Không hiểu vì lý do gì cơ quan điều tra lại tự ý mua dao, thớt ở chợ mang về làm tang vật và kết tội Hải.
Thứ tư, quá trình điều tra cho thấy, có rất nhiều sai sót, vi phạm như điều tra tự ý chỉnh sửa các bản khai, tiến hành nhận dạng người, tang vật nhưng không có người chứng kiến theo quy định… Dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án rất rõ ràng.
Thứ năm, Hồ Duy Hải kêu oan tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Và hơn suốt 6 năm qua mỗi lần gia đình vào thăm Hải, Hải đều khẳng định mình bị oan, mong mỏi gia đình nhờ Chủ tịch nước cứu giúp.
Theo cáo trạng Viện KSND tỉnh Long An, vào lúc 19h30 ngày 13/1/2008 Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi (tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Do nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) - nhân viên bưu điện Cầu Voi, Hải đưa tiền cho Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) - cũng là nhân viên bưu điện, đi mua trái cây. Khi Vân vừa đi khỏi, Hải kéo Hồng vào buồng và đẩy nằm ngửa xuống đi-văng. Hồng phản ứng, dùng chân đạp vào bụng Hải rồi đi về phía cầu thang.
Hải đuổi theo đẩy vào góc tường nhưng Hồng kêu la. Sợ bị phát hiện, Hải dùng tay bóp cổ, đẩy nạn nhân ngã xuống sàn rồi lấy tấm thớt gỗ đập vào đầu Hồng nhiều lần đến khi bất tỉnh. Sau đó vào bếp lấy con dao inox ra cắt cổ nạn nhân rồi lôi xác vào giấu ở góc cầu thang.
Theo Dân trí
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận