Chiều 1/7, tại Cà Mau diễn ra hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ tư. Hội nghị do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL chủ trì.
Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, trọng điểm
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần quan tâm tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.
"Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển", Phó thủ tướng lưu ý.
Phó thủ tướng đề nghị, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, cảng Hòn Khoai…
"Đối với các dự án cao tốc có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu cát đắp, đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền để đảm bảo tiến độ cho các công trình", Phó thủ tướng đề nghị.
Nhiều giải pháp mang tính liên kết vùng ĐBSCL
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang đã phát biểu tham luận về nội dung phát triển hệ thống giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, ưu tiên đầu tư trước các công trình có tích hợp thực hiện giải pháp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo đúng tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ và đã đạt được những kết quả nhất định.
Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá, kết cấu hạ tầng cảng biển, đường thủy nội địa đầu tư trong vùng đều được nghiên cứu tích hợp các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn nhiều hạng mục chưa được nâng cấp, cải tạo để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng, lợi thế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
"Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu đồng bộ, hiện đại cần tiếp tục được quan tâm đầu tư, cải tạo nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sức chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Sang nhận định.
Để đạt được mục tiêu kép là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL theo quy hoạch và thích ứng biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, cần phải tập trung vào các giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, 5 nhóm giải pháp công trình, tiếp tục giải quyết dứt điểm các vướng mắc về tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng, phát huy tối đa lợi thế địa hình sông nước để khẳng định ưu thế của vận tải thủy nội địa trong vận tải hàng hóa, đặc biệt là vận tải container.
Cùng với đó là đẩy nhanh và mở rộng việc áp dụng các loại vật liệu thay thế (như cát biển, tro xỉ nhiệt điện…) trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạn chế tối đa tình trạng khai thác vật liệu (cát sông) gây thay đổi dòng chảy, sạt lở.
Đồng thời, lựa chọn hướng tuyến, kết cấu công trình giao thông phù hợp, ưu tiên kết hợp công trình giao thông và thủy lợi để nâng cao hiệu quả chống ngập, không cản trở tiêu thoát, hạn chế tối đa tác động đến các hành lang thoát lũ.
Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các công trình tích hợp giải pháp nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và nước biển dâng như: nghiên cứu ứng dụng các vật liệu tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng thi công; thiết kế cao độ công trình giao thông vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn không bị ngập do tác động của triều cường và nước biển dâng.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư, nguồn lực dành cho công tác bảo trì hạ tầng giao thông trong vùng cũng cần được bố trí nhanh và đủ, đáp ứng khai thác bền vững hạ tầng cũng như khắc phục kịp thời các sự cố do tác động của biến đổi khí hậu (sạt lở, sụt lún...).
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều nội dung như: tình hình triển khai quy hoạch vùng, chính sách đặc thù vùng, các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững vùng ĐBSCL; thách thức về an ninh nguồn nước; tình hình xây dựng hệ thống ngăn mặn trữ ngọt tại vùng ĐBSCL hiện nay; các giải pháp trữ nước từ các sông lớn: sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao; các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt cho bán đảo Cà Mau…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, qua hơn hai năm thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các Bộ, ngành tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan triển khai thực hiện.
"Các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng", Thứ trưởng Đông thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hai năm qua, với tổng số 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định, là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan tỏa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để làm "mồi dẫn" thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và thúc đẩy liên kết vùng nói riêng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 116 dự án trọng điểm, qua quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (Tiền Giang, Vĩnh Long); hoàn thành cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng tuyến quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng; Tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau; hoàn thành cải tạo luồng sông Hậu (giai đoạn 2) và đưa vào khai thác, sử dụng. Đang thi công các tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cần Thơ - Cà Mau…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận