Kinh tế báo chí ngày càng suy giảm, cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Chỉ đạo này được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra sáng nay (20/2) ở Hà Nội do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dành những lời chia sẻ đầu tiên để nói về cảm xúc khi tham gia hội nghị giao ban báo chí. Trong đó ông nhấn mạnh hai tính từ ấm áp và thú vị.
Theo ông, kiểu giao ban như vậy không phải khối nào cũng có và trên thực tế từ trước tới nay, công tác phối hợp ở nhiều nơi còn tồn tại vấn đề phải khắc phục.
"Nếu khối nào cũng có sự chia sẻ tình cảm, trao đổi thông tin, kinh nghiệm chân thành như hoạt động giao ban báo chí thế này, sự phối hợp trong công tác sẽ đồng điệu, hiệu quả công việc tốt hơn", ông nói.
Điểm lại tình hình báo Xuân 2024, Phó thủ tướng chỉ ra, báo chí đã dùng nhiều từ hoành tráng, mạnh mẽ như hóa rồng, vượt vũ môn...
Theo ông, việc này có tác động tích cực, giúp động viên mọi người có thêm năng lượng vững bước trên đoạn đường khó khăn sắp tới.
Tập trung làm rõ những khó khăn để tìm hướng chủ động đối phó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay, kinh tế trong nước có thể đối mặt nhiều khó khăn do tác động chung của thế giới.
Tình hình bên ngoài khó đoán định, chiến tranh, xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Hơn nữa, năm 2024 là năm của rất nhiều cuộc bầu cử ở các quốc gia lớn. Chỉ cần thay đổi người đứng đầu là sẽ thay đổi chính sách, thể chế của các quốc gia lớn ảnh hưởng tới bình diện chung của cả thế giới.
Mặt khác, kinh tế thế giới nói chung cũng suy giảm.
Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất nguồn hàng tiêu dùng trên thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp 2 lần GDP nên nếu nhu cầu thế giới suy giảm thì sản xuất của chúng ta chắc chắn bị suy giảm theo.
"Nói chung, doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn. Những khó khăn này sẽ sinh ra bất ổn nên trách nhiệm, nhiệm vụ của báo chí càng nặng nề hơn", Phó thủ tướng nói.
Từ đó, Phó thủ tướng cho rằng, cơ quan báo chí vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, vừa phải xoa dịu nỗi đau của tất cả mọi người, lan tỏa mô hình tốt đẹp nhưng cũng phải răn đe những hành vi vi phạm pháp luật.
Phó thủ tướng Chính phủ thấu hiểu bản thân ngành báo chí cũng gặp không ít khó khăn. Kinh phí nhà nước cấp chưa bao giờ đủ, quảng cáo sụt giảm chưa từng có. Trong khi đó yêu cầu của thực tế ngày càng cao hơn, cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh giữa các loại hình báo chí ngày càng khốc liệt.
Phải đối mặt trực diện với khó khăn
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cơ quan trên hết là cần đối diện trực tiếp với các khó khăn, không còn cách nào khác.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải có cách làm mới, suy nghĩ mới, các sản phẩm mới hấp dẫn, cạnh tranh hơn để thu hút độc giả.
Lấy ví dụ, Phó thủ tướng Chính phủ dẫn thành công của Đài phát thanh - truyền hình Vĩnh Long. Theo ông, đây dù là đài cấp tỉnh nhưng đang cạnh tranh một số mặt với cả VTV hay HTV của TP.HCM.
Năm 2023, đài có doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương khoảng 800 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2023, đài đã thu từ YouTube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng.
"Đây là điều cần suy nghĩ vì không phải vô cớ họ thu từ YouTube 4 triệu USD. Muốn thu được phải dựa trên số lượng người xem", Phó thủ tướng nói.
Ngoài ra, ông đề nghị các cơ quan báo chí cần quan tâm, quản lý sản phẩm, nhà báo, phóng viên... tốt hơn. Đồng thời, tăng cường đào tạo, giúp học hỏi được các kinh nghiệm tốt...
Cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, năm Giáp Thìn 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với những người làm báo cách mạng, năm 2024 cũng là năm bận rộn với các hoạt động tiến tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025.
Ông Nghĩa đề nghị, báo chí tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, quyết tâm cao độ để xây dựng nền báo chí "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tích cực xây dựng và triển khai thực chất môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều là “cơ quan báo chí tử tế”, mỗi người làm báo đều là “người làm báo tử tế”.
"Thực hiện tốt điều đó, tôi tin tưởng rằng, cơ quan báo chí, người làm báo sẽ nhận được sự tôn trọng của cả xã hội và từ đó sẽ tạo ra giá trị, khẳng định được thương hiệu giúp cạnh tranh hiệu quả trước các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng phong phú", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận