Xã hội

Phó Thủ tướng nêu giải pháp chống tham nhũng để "đánh chuột không vỡ bình"

08/06/2023, 11:12

Để chống tham nhũng, tiêu cực mà vẫn đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng cần phát hiện sớm.

Cá thể hoá trách nhiệm các dự án đầu tư công

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đăng đàn trả lời chất vấn và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Báo cáo giải trình trước khi trả lời các vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong tháng 5 và đầu tháng 6, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

img

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ,...

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức như tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; thiếu điện cục bộ; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin lắng nghe, tiếp thu và tiếp tục bám sát các mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để cụ thể hóa và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, kịp thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường vai trò của các địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch.

Phát hiện và xử lý sớm sai phạm để tránh "đánh chuột vỡ bình"

Đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Thường trực Ủy ban Pháp luật) nêu tình trạng thiếu hụt nhân viên đăng kiểm. Theo bà, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo để "đánh chuột không vỡ bình”. Tức là phải giữ được sự ổn định trong thực thi công vụ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp, giữ được hoạt động bình thường.

Bà đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sau vụ việc đăng kiểm lần này rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết qua tổng kết 10 năm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã rút ra 8 bài học. Vụ việc vừa rồi tại các trung tâm đăng kiểm cũng nằm trong số những bài học kinh nghiệm đó.

“Sai phạm có thể diễn ra từ lâu, trong phạm vi rộng, đối tượng phạm tội nhiều, đến nay có tổng cộng trên 60 vụ án, khoảng 639 đối tượng liên quan ở 39 tỉnh thành.

Bài học rút ra là phải nâng cao chất lượng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chức năng nhiệm vụ của mô hình trung tâm đăng kiểm; trong đó, cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai minh bạch.

Cần có nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng như chuyển đổi vị trí công tác, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện xử lý sớm", Phó Thủ tướng nói.

Kiểm soát quyền lực giúp kịp thời loại bỏ sai phạm

Cũng đặt câu hỏi về giải pháp chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) chất vấn về giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

Phó Thủ tướng cho biết tổng kết qua 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, có 8 bài học kinh nghiệm, trong đó muốn kiểm soát phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải kiểm soát quyền lực.

“Quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm”, Phó Thủ tướng nói.

Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, gây suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng.

“Thực tiễn những năm qua cho thấy phải kiểm soát quyền lực với những cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ quyền hạn, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế xác định quyền hạn của các cơ quan Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của người có chức vụ quyền hạn. Những người có chức vụ, quyền hạn cũng phải tự soi, tự sửa và tự rèn luyện.

“Kết hợp nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt kết quả tốt hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, điều chỉnh phù hợp theo từng vùng

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề; trong 5 tháng đầu năm có 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...

“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... để có phương án hỗ trợ phù hợp; Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

img

Quang cảnh phiên chất vấn sáng 8/6

Điều chuyển công tác cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

img

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu

Nhắc về việc thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên.

Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Chống lợi ích nhóm trong thực hiện cơ chế đặc thù mỏ vật liệu

Trả lời về vấn đề khai thác mỏ cát, vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng cho biết, vì triển khai cao tốc nhiều nên nhu cầu sử dụng vật liệu cao. Thời gian trước, do gặp nhiều vướng mắc thời gian qua đã có nhiều chính sách đặc thù để giải quyết, tháo gỡ.

“Đến nay đã cho phép cơ chế giao mỏ trực tiếp cho nhà thầu thi công cao tốc, thay vì qua một doanh nghiệp trung gian khác làm chậm trễ quá trình khai thác. Điều đó tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình triển khai”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm các dự án cần làm nhanh nhưng phải bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác mỏ và trên tinh thần công tâm, minh bạch vì lợi ích chung, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại các mỏ, vật liệu, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các cơ chế đặc thù này.

Nỗ lực khơi thông vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành

Về vướng mắc của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó Thủ tướng cho biết dự án được phê duyệt từ năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, có những cơ chế phân bổ vốn chưa được thuận lợi nên theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu dừng dự án từ năm 2019.

Khó khăn chủ yếu của dự án này là nguồn vốn. Trong khi đây là dự án vốn ODA nhưng đầu tư theo hình thức BOT. Do đó theo quy định, ngân sách Nhà nước không được bố trí mà phải sử dụng các nguồn hợp pháp khác.

Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ tính toán kỹ nguồn vốn, đàm phán với các nhà đầu tư để khởi động dự án.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chưa hứa trước được mốc thời gian cụ thể và cho biết sẽ tích cực, nỗ lực để có nguồn vốn triển khai lại dự án sớm nhất có thể.

Điều hành giá là nghệ thuật

Trả lời chất vấn đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) về giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát, tránh được hiêụ ứng tâm lý tăng lương là tăng giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Việc điều hành, theo Phó Thủ tướng, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ tin hiệu của thị trường để có kịch bản điều hành.

Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu, việc này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đối với các mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.

Cuối cùng, cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác điều hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp tăng giá mà không kiểm soát được.

Giải pháp khắc phục tình trạng mất việc, giảm giờ làm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm và giải pháp trọng tâm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định trong những tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng mất việc, giảm việc của người lao động ở những thành phố lớn, khu công nghiệp hay khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.

Số lao động bị ảnh hưởng là khoảng 510.000 người, trong đó 279.000 người bị mất việc, thôi việc, 195.000 bị cắt giảm giờ làm.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã triển khai một loạt những giải pháp trong thời gian qua để doanh nghiệp hoạt động bình thường, có hiệu quả, cải thiện tình hình hoạt động, từ đó đáp ứng nhu cầu việc làm của công nhân, xử lý được tình huống giãn việc.

Cùng với đó, các ngành cấp và địa phương cũng thực hiện chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, BHXH, BHYT cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện người lao động tiếp cận việc làm ở các sàn giao dịch việc làm tại địa phương…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành nắm bắt kịp thời, ngăn chặn những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và ảnh hưởng đến hành vi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Còn khó khăn trong xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ngân hàng tín dụng là định chế đặc biệt, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên được kiểm soát, giám sát theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.

Ông nhìn nhận sở hữu chéo sẽ tác động đến hành vi thao túng trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng.

Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước được quy định 2 chức năng quan trọng là đảm bảo an toàn cho ngân hàng thương mại và giữ được giá trị đồng tiền. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý thực trạng sở hữu chéo, song Phó Thủ tướng cho rằng cũng có cái khó.

Lưu ý việc dành vốn tín dụng cho lợi ích của nhóm sở hữu chéo sẽ làm méo mó hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng môi trường chung, Phó Thủ tướng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ thường xuyên thanh tra việc này.

Để hạn chế sở hữu chéo, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát cơ chế hoạt động của các ngân hàng thương mại; sửa Luật Tổ chức tín dụng để có căn cứ vững chắc kiểm soát, xử lý sở hữu chéo.

Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng cũng phải tự phát hiện những hành vi lệch chuẩn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm giải pháp xử lý nghiêm sai phạm; công khai, minh bạch để các nhà đầu tư và người dân có thông tin kiểm tra, giám sát tình trạng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.