Phó thủ tướng "giật mình" vì số liệu đại biểu nêu
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với bộ trưởng, trưởng ngành thuộc các nhóm lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.
Cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã trả lời, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn.
Phó thủ tướng cho biết, có bốn nhóm vấn đề muốn giải trình với các đại biểu Quốc hội.
Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhưng vì xét thấy các đại biểu quan tâm nhiều nên giải trình thêm.
Theo quan sát phiên chất vấn, Phó thủ tướng nhận thấy có hai từ được nhắc đến nhiều nhất là "chậm" và "chưa".
Dẫn "con số rất giật mình" mà đại biểu Bến Tre đưa ra - đến 60% văn bản hướng dẫn được ban hành sau ngày luật có hiệu lực - Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ nhận khuyết điểm rất lớn và cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới.
Song, theo Phó thủ tướng, các đại biểu mới đề cập đến số lượng, định lượng thời gian. Trong khi đó, việc xây dựng thông tư đòi hỏi tính chuẩn mực, vừa kiểm soát tình hình, vừa tạo điều kiện thông thoáng.
Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã có ứng xử tiến bộ hơn trước. Ví dụ, hằng tháng đều tổ chức chuyên đề pháp luật và số lượng tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước.
Mặt khác, Chính phủ phải dồn công sức sửa những nghị định, thông tư đang có hiệu lực nhưng còn bất cập. Xét về thứ tự ưu tiên thì đây là việc quan trọng hơn vì đang rất vướng, gây cản trở.
Đồng thời, trong bối cảnh xây dựng hệ thống pháp luật trên cơ sở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì hiện nay, chính Luật này cũng có những quy định cần tiếp tục sửa đổi.
Về giải pháp thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết, sẽ tập trung nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; làm tốt công tác đánh giá tác động, tham vấn chính sách; tăng cường năng lực cán bộ làm công tác pháp chế.
"Phân cấp, liệu địa phương có kham được không?"
Vấn đề thứ hai Phó thủ tướng muốn giải trình thêm là phân cấp phân quyền.
Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt và là mục tiêu giải pháp cho rất nhiều việc bởi chính các địa phương mới biết thế nào là tốt nhất cho mình.
Nếu giải quyết việc phân cấp thì tránh phải cải cách thủ tục hành chính rất lớn.
Song, không phải không có những vướng mắc trong việc phân cấp. Trước hết là vướng mắc về quy định chuyên ngành vì phân cấp xong lại đụng các luật khác khiến các địa phương phía dưới không dám làm.
Bên cạnh đó, vẫn còn ở nơi này nơi khác không muốn phân cấp, phân quyền, muốn ôm việc vì sợ mất quyền lực của mình.
Mặt khác, Phó thủ tướng băn khoăn khi phân cấp thì năng lực của chính quyền địa phương có đủ sức thực hiện được hay không.
Điển hình, sắp tới sẽ cho phép chính quyền cấp huyện quyết định trộn nguồn vốn ba chương trình mục tiêu quốc gia, thí điểm ở mỗi tỉnh một huyện nhưng địa phương rất lo lắng vì không biết có kham được không.
"Nếu không khéo, sau này lại mất cán bộ vì anh em không đủ sức", Phó thủ tướng nói.
Do đó, trong thời gian tới, đẩy mạnh phân cấp nhưng sẽ chọn thứ tự ưu tiên, kết hợp kiểm tra giám sát tăng cường kỉ luật kỉ cương hành chính và chuyển đổi số.
Muốn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, phải sửa thêm luật
Vấn đề thứ ba, Phó thủ tướng đề cập là hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nêu thực tế bối cảnh hiện nay, nhiều người có trách nhiệm nhưng lại né tránh đùn đẩy công việc, Phó thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan đã nỗ lực đưa ra hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Sau thời gian dài, đến tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 với ba nội dung lớn là tôn vinh, khen thưởng; có cơ hội thăng tiến tốt hơn cho cán bộ và cuối cùng là bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, vấn đề "bảo vệ" cán bộ xung đột với các quy định hiện hành, đòi hỏi phải sửa luật.
Do đó, hiện nay mới chỉ làm được một việc. Người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm xem xét thấu đáo có trách nhiệm, khuyết điểm, hạn chế thậm chí vi phạm của cán bộ, xét động cơ, phạm vi tâm thế muốn đóng góp cho cái chung của họ để xác định trách nhiệm và đề xuất xử lý vi phạm của cán bộ.
Đánh giá đây là vấn đề khó, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang mong các đại biểu chia sẻ và đề xuất sửa đổi một số điều trong một số luật.
Có 513 vướng mắc ở địa phương nhưng chưa ai bị kiểm điểm, kỷ luật
Vấn đề cuối cùng, Phó thủ tướng chỉ ra thực tế trong bất kỳ báo cáo nào đều có một câu - "tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu".
Như vậy, để khắc phục điều này đòi hỏi cấp trên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
Nêu câu chuyện Trung ương còn nợ 28 tỷ của Yên Bái liên quan tới chi phí chăm sóc bảo vệ rừng năm 2021, Phó thủ tướng cho biết, tháng 2 vừa qua, khi nhận công tác về làm việc với Ủy ban Dân tộc về vấn đề này, ông đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì với các nơi xử lý.
Đến tháng 4, Bộ Tài chính mới có công văn đề nghị thống kê, đề xuất.
Sau đó, tới ngày 28/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có văn bản gửi Bộ Tài chính và đến nay vẫn chưa xử lý.
"Vấn đề là nếu đại biểu Bắc Kạn không nói, tôi cũng không biết việc này. Như vậy, theo tôi cần phải có cơ chế chính sách để kiểm soát" - Phó thủ tướng nói và cho biết thêm, dù Văn phòng Chính phủ có bộ phận theo dõi việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Phó thủ tướng nhưng vẫn còn vướng đâu đó "vì có nhiều vấn đề đến nay các đại biểu nói chúng tôi mới biết".
Theo Phó thủ tướng, gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo tổ chức 26 đoàn của 26 thành viên Chính phủ chia ra 63 tỉnh, thành để xem các địa phương vướng gì và đã tổng kết có 513 vướng mắc.
"Song, vấn đề là chưa có ai bị kiểm điểm, kỷ luật về việc chậm trễ" - Phó Thủ tướng nói và mong bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc hội chia sẻ chung tay góp sức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận