Chia sẻ với báo chí về kết quả kinh tế xã hội đạt được trong năm 2018, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ vui mừng cho biết chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính là cần thiết
Nhiều ý kiến băn khoăn vì tăng trưởng nóng, song Phó Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng mà nợ công giảm đi, tín dụng giảm xuống, khả năng chống chịu tốt hơn là tốt, thì không có gì là “nóng”. “Thực tế dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn hạn chế. Tăng trưởng này chủ yếu là do tổ chức thực hiện, khai thác các nguồn lực đang có” – Phó Thủ tướng nói rõ.
Cũng trong năm 2018, khi chủ trì rất nhiều cuộc họp, đặc biệt về chủ đề giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, xử lý các đại dự án yếu kém, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thường xuyên sử dụng cụm từ "rất sốt ruột”.
Lý giải việc này, ông chia sẻ, ông sốt ruột vì vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”. Sốt ruột vì có anh làm rất nhanh, nhưng có anh làm rất chậm. Sốt ruột về tổ chức thực hiện. “Không đạt được mục tiêu, Chính phủ sốt ruột là đúng rồi. Mục tiêu đặt ra là giải ngân đạt 100% nhưng cao nhất năm nay cũng chỉ đạt trên 90% thôi. Không đạt mục tiêu thì quá sốt ruột chứ không chỉ là sốt ruột” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng, càng giải ngân sớm, hiệu quả đầu tư công càng cao. Một đồng vào đầu năm khác với một đồng vào cuối năm. Việc tổ chức thực hiện phải xem xét lại, nhiều vấn đề cần phải tính toán thêm.
Đặc biệt, cũng không ít lần Phó Thủ tướng bức xúc với một số đại diện các bộ, ngành vì sự trì trệ hay chệch choạc, nhưng khi phóng viên nhắc đến, ông cười và nói rằng, có lúc nói “âm lượng” hơi tăng một chút thôi chứ cũng không bức xúc gì.
Nhưng cũng theo Phó Thủ tướng, trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí trong Thường trực Chính phủ rất thẳng thắn phê bình những tổ chức, tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc chậm thực hiện những kết luận, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Ông cho rằng, đó là cái cần thiết trong chỉ đạo điều hành và đúng tinh thần là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Thực tế, theo Phó Thủ tướng, qua những lần kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức các ngành cũng có chuyển biến tích cực.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thực sự, không đẻ ra những giấy phép con mới
Chia sẻ về những điều hài lòng và chưa hài lòng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù chúng ta có thành công lớn trong năm 2018, về tất cả các phương diện, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhưng trong các báo cáo của Chính phủ, cũng như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định là năm 2019 và những năm tiếp theo nước ta còn đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.
Một mặt là những yếu kém tồn tại tích tụ lâu dài trong nền kinh tế, không phải ngày một, ngày hai có thể khắc phục được. Bên cạnh việc tạo ra những năng lực sản xuất mới, chúng ta còn phải tiếp tục làm nhiệm vụ nữa, đó là cắt bỏ những năng lực sản xuất dư thừa, mà thực tế là những năng lực sản xuất yếu kém, thua lỗ, những năng lực sản xuất đã “chết lâm sàng” rồi, phải tiếp tục làm mạnh hơn ở lĩnh vực này.
Để làm được như vậy, Phó Thủ tướng lưu ý trước hết cần tập trung vào điều hành vĩ mô, không để Chính phủ, Thủ tướng rơi vào tình trạng bị động và bất ngờ. Luôn luôn coi củng cố nền tảng vĩ mô là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thực sự, cắt giảm điều kiện kinh doanh, điều kiện kiểm tra chuyên ngành cần thực chất hơn nữa, không “đẻ” ra những điều kiện kiểm tra chuyên ngành, những giấy phép con mới và đặc biệt là phải rút ngắn khoảng cách giữa quy định của pháp luật trên các văn bản giấy tờ với thực thi trên thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất hơn; thoái vốn, sắp xếp, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận