Vấn đề nguyên vật liệu cát sẽ được giải quyết tốt
Chiều nay (4/6), Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Phó thủ tướng cho biết, tại phiên chất vấn buổi sáng, các bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có những câu trả lời rõ ràng, sát vấn đề.
Về vấn đề vật liệu xây dựng, Phó thủ tướng nêu rõ, trước đây đã có quy định phân cấp về địa phương. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục nên đã làm chậm trễ quá trình này.
Chính phủ, Thủ tướng đã tích cực chỉ đạo về vấn đề vật liệu xây dựng. Nội dung này cũng đã được Quốc hội xem xét. Khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để.
Từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, thì Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với giải pháp cho các vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
"Tại đây, Thủ tướng đã có 2 lần đến làm việc, bất cập hiện nay ở vùng này là xác định trữ lượng, công suất và nhu cầu của tiến độ khai thác. Để giải quyết khó khăn này chúng ta đã có dự báo chính xác về tiến độ, công suất có thể cung cấp để xác định nhu cầu cần phải cung cấp", Phó thủ tướng cho biết.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thêm, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu đánh giá thử nghiệm về nguồn cát nhiễm mặn và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường.
"Âm nền K95 – không đắp quá và kết hợp vật liệu địa nhiệt, thì chúng ta cô lập toàn bộ cát biển trong quá trình san lấp. Điều này đã kiểm soát được môi trường, ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường", Phó thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các mục tiêu giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, sẽ giao cho các địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập vật liệu cát ở nước bạn.
"Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt", ông Hà nói.
Chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn
Liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới.
Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ.
"Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao.
Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô", ông Hà nói.
Vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó thủ tướng cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể.
Từ 1/1/2025 đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ nhận thức của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác. Vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận