Ngày 14/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến các địa phương khu vực phía Nam về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức tại TP Cần Thơ.
Phó Thủ tướng cho biết dự thảo luật được chuẩn bị bài bản, khoa học, công phu.
Quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt tinh thần tổng kết, chỉ đạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về vấn đề đất đai.
Nhiều hội nghị, tọa đàm đã được tổ chức để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân… một cách bài bản, khoa học, sát thực tiễn, khả thi, tập trung, đúng đối tượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi ý một số nội dung cần tập trung lấy ý kiến
Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hóa của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.
Phó Thủ tướng mong muốn ý kiến của các tỉnh phía Nam đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo tốt hơn.
Cần tránh chồng chéo, bất cập
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp tục cụ thể hóa nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm; cơ chế giao đất, cho thuê đất sản xuất nông nghiệp…
Từ kinh nghiệm quản lý đất đai tại địa phương, ông Trường cũng đề nghị nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự bất cập. Đồng thời, bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quận, thị xã để tránh chồng chéo.
“Thực tế thời gian qua, khi thông qua quy hoạch đô thị cho các quận thì nảy sinh mâu thuẫn với quy hoạch sử dụng đất của chính các quận đã được ngành TN&MT xây dựng giai đoạn 2015 - 2020.
Trên bản vẽ quy hoạch đô thị chỉ tập trung các khu dân cư hiện hữu và các dự án dân cư thương mại được hình thành trong tương lai. Còn các khu đất còn lại thì ghi là đất hỗn hợp, mà loại đất này không có trong Luật Đất đai.
Từ đó, dẫn tới người dân sinh sống trong các khu vực này khi muốn chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất với nhau thì cơ quan có thẩm quyền không thể giải quyết được, vì không biết cho chuyển mục đích gì”, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nêu thực tế.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, giao thông mở đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, tạo hệ sinh thái mới về đô thị, thương mại, dịch vụ
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện nay việc hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, kể cả người về hưu.
Ông Trường cho rằng việc quy định như vậy làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp phải chịu thiệt thòi. Họ chỉ được nhận bồi thường mà không được hỗ trợ.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị
Cần tính toán kỹ về giá đất khi thu hồi
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng góp ý tập trung vào giá đất; tổ chức phát triển quỹ đất; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; mở rộng hạn mức đất nông nghiệp; quy định về đất có mặt nước ven biển; điều kiện giao đất, cho thuê đất.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu thực tế, bảng giá đất được địa phương công bố theo quy định song giá đất theo thị trường lại biến động liên tục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phương án đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là nội dung cần được cơ quan soạn thảo lưu tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận kiến nghị cần định lượng rõ ràng hơn, có tiêu chí cụ thể để thực hiện chủ trương người dân tái định cư có mức sống tốt hơn nơi ở cũ.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn về phương án xây dựng bảng giá đất, cơ chế cập nhật, điều chỉnh giá đất khi có biến động trên thị trường; phân cấp trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương… được quy định trong dự thảo luật.
Giao thông mở ra không gian phát triển
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các ý kiến tại hội nghị tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, nhất là những nút thắt, hạn chế, trong quá trình chuyển dịch đất đai trở thành nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động.
Trao đổi thêm về các ý kiến trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đất đai với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác.
Theo đó, quy hoạch giao thông dẫn dắt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai.
"Giao thông đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, tạo hệ sinh thái mới về đô thị, thương mại, dịch vụ. Chúng ta phải sử dụng nguồn lực đất đai đầu tư cho hạ tầng và dùng hạ tầng để phát triển nguồn lực đất đai", Phó Thủ tướng nói.
Về tập trung đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh… Tập trung đất đai cần chú trọng vào phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở huy động đất đai quy mô lớn.
Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các cơ chế tham gia như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, cũng như lợi ích của các bên tham gia, bảo đảm hợp tác công bằng.
Nêu thực tế đang tồn tại hai chính sách Nhà nước trực tiếp thu hồi đất đai và doanh nghiệp tự thỏa thuận, dẫn đến cơ chế hai giá, Phó Thủ tướng nêu rõ Nhà nước là cơ quan quản lý, định giá, thực hiện thu hồi đất. Vì vậy, các địa phương phải bày tỏ quan điểm rõ ràng dự án nào doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận, dự áo nào Nhà nước trực tiếp thu hồi để điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch dự án cần sự tham gia của những người am hiểu, tách bạch cơ quan quản lý và đơn vị tư vấn, có đại diện của các chủ thể có liên quan…
"Khi triển khai những dự án phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, chúng ta phải huy động được người dân tham gia và thụ hưởng lợi ích thực chất. Quan trọng nhất là cơ chế, cách làm chứ không phải là quy định cụ thể, thực hiện máy móc. Đây cũng là mục tiêu lớn nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu làm rõ hơn nữa quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, cơ quan quản lý đất đai, là người sử dụng đất đai; quyền sử dụng đất và tài nguyên, tài sản trên đất, trong đất; sự tham gia của người dân trong quá trình chuyển dịch đất đai trên cơ sở công khai, minh bạch cách thức chia sẻ lợi ích từ những dự án phát triển, không chỉ cho cộng đồng ngay tại địa phương, mà cả những địa phương, cộng đồng dân cư khác…
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; phát huy trí tuệ của nhân dân; đưa thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống vào luật; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đất đai.
"Tôi cho rằng đây là dịp chúng ta thực hiện thắng lợi hai mục tiêu. Vấn đề còn lại là Quốc hội, Chính phủ cần phải nghiên cứu thế nào thật sự nghiêm túc, khoa học để lắng nghe, tổng hợp các ý kiến, phân tích được các ý kiến để nâng cao chất lượng dự thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới", ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận