Thị trường

Phó thủ tướng: Tính phương án hiệu quả nhất sau khi giải thể Ủy ban quản lý vốn

06/12/2024, 17:16

Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, cần tính toán phương án để đảm bảo hiệu quả hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty khi kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngày 6/12, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đề cập tới Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động để chuyển về Bộ Tài chính, các đơn vị khác. 

Phó thủ tướng: Tính phương án hiệu quả nhất sau khi giải thể Ủy ban quản lý vốn- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.

Phó thủ tướng cho biết ủy ban cần họp với các tập đoàn, tổng công ty, các bộ, ngành sắp xếp như nào để đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.

"Quan điểm là đưa các doanh nghiệp về các bộ, ngành liên quan và tất nhiên hệ thống cán bộ cũng đi theo. Nhưng mối quan hệ giữa quản lý vốn và quản lý ngành, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ quản lý vốn thế nào... là vấn đề phải tính đến để đảm bảo hoạt động hiệu quả nhất", ông Phớc phân tích.

Phó thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả đạt được của Ủy ban trong năm qua, khi tổng doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách tăng 5%.

Tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng 

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau 5 năm chuyển về Ủy ban, hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty phát triển liên tục, ổn định, hoàn thành kế hoạch hàng năm. Tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển. 

Đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách hằng năm của cả nước.

Phó thủ tướng: Tính phương án hiệu quả nhất sau khi giải thể Ủy ban quản lý vốn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cũng theo ông Cảnh, công tác đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty được đẩy mạnh, tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2018-2023 của 19 đơn vị đạt 777 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, viễn thông…

Đặc biệt, theo lãnh đạo CMSC, việc xử lý các tồn tại, vướng mắc và tái khởi động các dự án yếu kém, thua lỗ đạt nhiều hiệu qủa. 

Theo đó, 11 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành Công thương sau khi tái cơ cấu, tái khởi động hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã tạo được dòng tiền trả nợ ngân hàng, cung ứng sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động...

Đánh giá tổng thể, ông Cảnh nhận định: Năm 2024, sau hơn 5 năm chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban, chưa phát sinh sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp. 

"Một số trường hợp bị xử lý kỷ luật, khởi tố là do có liên quan các sai phạm phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban", ông Cảnh nói. 

Tuy nhiên, lãnh đạo CMSC cũng thẳng thắn thừa nhận, chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra với Ủy ban là ngay sau khi thành lập phải tạo ra bước đột phá. 

Nguyên nhân, theo ông Cảnh, khung khổ pháp luật cho tổ chức và hoạt động của Ủy ban hoàn toàn dựa trên hệ thống thể chế, pháp luật có sẵn, phương thức hoạt động vẫn là quản lý hành chính như các bộ trước đây, chưa bổ sung, điều chỉnh để có thể nâng cao năng lực, hiệu quả của mô hình mới. 

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

Theo kế hoạch được Chính phủ ban hành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

Thực hiện theo phương án này, dự kiến sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty (hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Đối với các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.

Đối với một số tập đoàn lớn, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam... thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.