Nữ đại biểu tranh luận lần 2 vì chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng
Sáng 7/6, trước phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Tham gia tranh luận lần 2, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết vẫn chưa hài lòng với phần giải đáp của Bộ trưởng Hầu A Lềnh.
"Bộ trưởng trả lời rằng việc bố trí vốn giao hết cho địa phương, như vậy theo trách nhiệm là không đúng. Vì Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ bố trí vốn và Ủy ban Dân tộc giám sát, nên Bộ trưởng nói trách nhiệm của địa phương là chưa ổn", nữ đại biểu tranh luận.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai
Về cơ cấu vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, bà Mai dẫn Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ 50.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công và 54.000 tỷ đồng là vốn sự nghiệp, Chính phủ có nhiệm vụ đôn đốc tăng tỷ lệ chi đầu tư.
"Khi đọc báo cáo của Chính phủ, tôi thấy rằng việc phân bổ cho nhiều hội thảo, tư vấn là chưa hợp lý khi nguồn lực có hạn, người dân có nhiều việc cần giải quyết", bà Mai nhấn mạnh.
Cho biết báo cáo của Chính phủ nói rõ văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với đầu tư công, đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao đổi lại với Chính phủ về số liệu, nhận định, quan điểm trong báo cáo chính thức.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh
Trao đổi với phần tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung nguồn lực bố trí cho địa phương. Tất cả có 10 dự án đều phân cấp, thẩm quyền về cho từng địa phương, còn Trung ương ban hành thông tư hướng dẫn, kiểm tra giám sát và hướng dẫn địa phương.
Liên quan đến băn khoăn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về việc nhiều người dân tộc "mù" tiếng nói, chữ viết của chính dân tộc mình, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, ông cũng rất trăn trở.
"Đã có nhiều chủ trương và dự án, Bộ GD&ĐT cần thiết kế chương trình và đưa vào giảng dạy tại các trường học ở vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, điều không kém quan trọng là tuyên truyền, vận động để đồng bào tự hào, giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hoá của mình", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết.
"Nguồn lực đầu tư giai đoạn này đã bố trí 104.000 tỷ đồng, trong đó có 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công", Bộ trưởng Hầu A Lềnh thông tin.
Ông cho biết, cơ cấu vốn sự nghiệp nhiều hơn vốn ngân sách do đây là tính đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia này. Trong quá trình ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ ngành có một số vấn đề nảy sinh, ví dụ hệ thống văn bản quy định về tiêu chuẩn định mức còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất với nhau.
"Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, tổng hợp và Chính phủ đã giao rà soát các văn bản có chồng chéo, hiện đã rà soát xong các văn bản này", ông Lềnh nói.
Nói thêm về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình chi phí cho tư vấn, truyền thông đi trước là đúng, nhưng vì "bước sau bị chậm" nên băn khoăn của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai là điều dễ hiểu. Do đó, cần phải tăng tốc để bù lại,
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu giải trình để làm rõ hơn băn khoăn của đại biểu.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
Còn tình trạng phân bổ vốn "hoa thơm mỗi người hưởng tý"
Có 10 phút giải trình làm rõ những vấn đề liên quan, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ phần trả lời của Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã gần như đầy đủ và đã khá thẳng thắn, trách nhiệm.
Ông cho biết sẽ báo cáo về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở rộng thêm 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
"Trước hết với trách nhiệm được phân công chỉ huy trực tiếp việc thực hiện 3 chương trình này, chúng tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước bà con đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi vì các chương trình rất chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra", Phó Thủ tướng nói.
Dẫn số liệu, ông Quang cho biết, đến ngày 31/5, phần vốn của năm 2022 dành cho chương trình này chỉ đạt hơn 58,49% vốn đầu tư phát triển. Riêng vốn của năm 2023 chỉ đạt hơn 17,01% vốn đầu tư phát triển. Chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này.
"Rất nhiều khu vực, nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số đang sống ở vùng biên cương, vùng phên dậu của đất nước đang cố gắng chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nên chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cho biết, qua khảo sát thực tế, Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại thì các dự án triển khai ở nhiều nơi rất manh mún và dàn trải.
"Các anh em ở địa phương thấy chỗ nào cũng khó nên có tâm lý "hoa thơm mỗi người hưởng tý", để cho đâu đó ổn định, vui vẻ", Phó Thủ tướng nói và cho biết, ở một số quy định bắt buộc cũng gây ra sự dàn trải này.
"Chúng tôi đi khảo sát trong huyện ở một tỉnh Tây Nguyên thì cả nhiệm kỳ được giao vốn 200 tỷ của Chương trình, nhưng có đến 400 dự án. Đâu đó 1 dự án cỡ 500 triệu. Đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc một dự án hạ tầng ngắn ngủi như thế thì khó có thể mà kết nối được", ông Quang nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, chính sự chia nhỏ dự án này đã khiến công tác chuẩn bị hồ sơ mất thêm thời gian. Ngoài ra, việc triển khai còn gặp vướng mắc khi số lượng văn bản ban hành rất nhiều, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành trung ương, nên còn nhiều chồng chéo, xung đột.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18/18 bộ ngành đã có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261/339 thắc mắc của các cơ quan, địa phương.
Với các nội dung còn lại, Chính phủ đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 27, ban hành, điều chỉnh một số thông tư. Việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6.
"“Cũng phải nói thật lòng với các đồng chí, tôi có hứa với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội rằng trong quý I xong việc này nhưng phải mất thêm 2,5 tháng, đến nay mới có thể báo cáo về mốc thời gian 15/6", ông Quang nói.
Từ thực tế triển khai, Phó Thủ tướng cho biết, với vốn Trung ương việc giải ngân rất chậm nhưng vốn đối ứng thuộc thẩm quyền của địa phương thì giải quyết rất nhanh. Bên cạnh đó, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến việc triển khai các chương trình này.
Điển hình, đến nay còn 6 địa phương Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre vẫn nợ hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo phân cấp cho chương trình này; Phó Thủ tướng nhắc các địa phương cần lưu ý.
Vướng mắc khác, theo Phó Thủ tướng là trình độ của cán bộ trực tiếp triển khai chương trình này ở địa phương còn hạn chế.
"Trình độ hạn chế, thủ tục lằng nhằng, chậm và có nguy cơ sai sót là những nguyên nhân có thể lý giải cho việc triển khai chậm", Phó Thủ tướng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận