Tập trung tìm kiếm người mất tích, càng sớm càng tốt
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những mất mát của gia đình các nạn nhân, gia đình của các cán bộ, chiến sĩ hy sinh để cứu dân trong thời gian mưa bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh mưa lũ miền Trung đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến tính mạng và tải sản của người dân.
Đồng thời cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, rất lo lắng đến tính mạng người dân và đã có nhiều chỉ đạo trực tiếp, cụ thể và thường xuyên trao đổi với các địa phương làm thế nào để sớm khắc phục được thiên tai, sớm tìm được người mất tích, cấp cứu những người bị thương và đưa những người mất tích về với gia đình…
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hết sức trách nhiệm, tập trung quyết liệt và đã tìm được 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, 2 công nhân tại thủy điện Rào Trăng và hôm nay Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 phối hợp với tỉnh TT-Huế tổ chức lễ tang các đồng chí hy sinh, tổ chức lễ truy điệu và đưa các đồng chí về với quê hương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một tổn thất rất to lớn. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương tinh thần của các lực lượng của Trung ương và địa phương và vô cùng biết ơn các cán bộ, chiến sĩ, nhà báo đã hy sinh quên mình để bảo vệ tính mạng của nhân dân.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay tình hình bão lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là khu vực miền Trung- khu vực có địa hình phức tạp, dốc dễ gây ra sạt lở đất khi có mưa lũ, công tác ứng phó gặp rất nhiều khó khăn; còn nhiều người dân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 chưa được tìm thấy.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn là vào đêm hôm qua (18/10) đã xảy ra mưa lũ, sạt lở đất khiến 22 sĩ quan, chiến sĩ của Quân khu 4 tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) gặp nạn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tình hình hiện nay rất khẩn trương và cấp bách, trước hết là phải tập trung tìm kiếm cứu nạn những người mất tích càng sớm càng tốt, tiếp cận càng sớm càng tốt để tìm và cấp cứu kịp thời, đây là những sĩ quan, chiến sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Mạng lưới giao thông tắc nghẽn đồng loạt
Đại diện lãnh đạo tỉnh TT-Huế báo cáo cụ thể thiệt hại về mạng lưới giao thông. Trong đợt lũ này hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, ách tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập.
Đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh TT- Huế, tàu từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế dừng tại Đà Nẵng, tàu từ Hà Nội vào Huế dừng tại Quảng Trị. Đoạn từ Huế ra Văn Xá ngập 30-40cm, hiện đã hết ngập. Hàng không Phú Bài đóng cửa từ 12h ngày 11/10đến 23h59 ngày 11/10. Đến nay đã hoạt động trở lại
Đối với TP. Huế, hơn 70% tuyến đường của 27 phường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ....) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa...) ngập bình quân 0,3-0,5m.
Quốc lộ 49B, TL17, TL11B, TL6, hệ thống đường liên thôn của huyện Phong Điền bị ngập từ 0,4-1,0m với tổng chiều dài khoảng 12km, thuộc địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương và thị trấn Phong Điền.
Tại thị xã Hương Thủy giao thông ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 20%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8m, có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2m, bao gồm các xã, phường Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Bằng (9/12 phường, xã); hơn 30km đường giao thông bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,7m, đặc biệt có nơi trên 1,5m.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn huyện Phú Vang bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,6m gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A , tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5-0,7m với tổng chiều dài hơn 10km.
Với địa bàn huyện Phú Lộc. Tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Bổn và Lộc Trì nước đã rút từ 15 giờ ngày 11/10,các hoạt động giao thông đã trở lại bình thường. Một số tuyến đường thôn xóm tại các xã Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì và Lộc Thủy ngập khoảng 0,2-0,4 m.
Tại huyện A Lưới Các hộ dân tại xã Sơn Thủy bị ngập úng do mưa lớn, nước tràn vào nhà. UBND xã đã chỉ đạo các lực lượng di dời 20 hộ dân bị ngập đến nơi an toàn. Đường Hồ Chí Minh bị ngập 2 đoạn tại xã A Ngo, trên đèo Pa Ke bị sạt 2 chỗ, bị tắc đường xe tải không đi được; đường liên thôn Cha Đu - Thôn Nghĩa bị ngập 2 điểm.
Tất cả các tuyến đường chính huyện Quảng Điền bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,0-1,2 m. Các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông đã bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh.
Các tuyến đường trục chính thị xã Hương Thủy cũng bị ngập nặng. Tuyến đường liên thôn, xóm tại hầu hết các xã, phường vùng đồng bằng Hải Dương, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn… bị ngập sâu từ 1,2-2m làm chia cắt nhiều vùng.
Địa bàn huyện Nam Đông: Tuyến đường đi vào thủy điện Thượng Nhật không đi được do cống ngầm qua đường Ma Gon bị xói lở. Tại xã Hương Lộc: Sạt lở đất mái ta luy dương đường ở đèo số 5, thôn 1 và tuyến đường 14C tại tổ 4, thôn 1 bị đất, đá trôi bồi lấp mặt đường.
Tại xã Thượng Lộ: Sạt lở đất mái ta luy âm (chiều dài 50m) và nền đường tuyến đường bê tông thôn Ria Hố (chiều dài 25m); ngầm tràn khe Cha Moong và một số vị trí mái ta luy bị sạt lở ở tuyến đường sản xuất.
Tại xã Hương Phú: Sạt lở đất mái ta luy đường thị trấn Khe Tre đi thôn Ka Tư (chiều dài 300m); sạt lở đất một số điểm ở đường cao tốc La Sơn-Túy Loan; sạt lở đất tại đoạn đường nối tỉnh lộ 14B với đường gom cao tốc La Sơn-Túy Loan, xói lở đường sản xuất Thác Trượt (chiều dài 100m) thôn Xuân Phú.
Tại xã Hương Hữu: Sạt lở đất tuyến đường ở xóm Tà Rị (chiều dài 70m). Tại xã Thượng Long: Sạt lở đất các tuyến đường (tỉnh lộ 14B chiều dài 15m; đường đi thôn 3 chiều dài 10m; đường thôn 7 chiều dài 10m). Một số đoạn đường ở các địa phương bị ngập cục bộ từ 20-50cm (Thị trấn Khe Tre, Hương Xuân, Thượng Long, Hương Phú).
Đã có đến 27 người chết
Ngoài ra, thiệt hai về nhà cửa lớn nhất từ năm 1999 đến nay. Trong đợt lũ đặc biệt lớn này trên địa bàn tỉnh có 84.963nhà bị ngập lụt từ 1,0-2,5m,một số nơi cao hơn (số liệu cập nhật đến 6h00 ngày 12/10/2020). Thành phố Huế: 2.560, Hương Trà: 19.090, Hương Thủy: 6.409, Quảng Điền: 16.228, Phong Điền: 13.003, Phú Lộc: 7.338, Phú Vang: 20.195, Nam Đông: 60, A Lưới: 80. Đến 13h 16/10 còn 14.857 nhà ngập với mức ngập 10-30cm.
Trong đợt bão lụt nàu tỉnh TT.Huế đã có tới 27 người chết (12 người chết do mưa lũ; 02 công nhân nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67). Còn 15 người mất tịch tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đang được khẩn trương tìm kiếm. Só người bị thương là 13 người.
Dồn toàn lực cứu hộ, cứu nạn vụ sạt lở Rào Trăng 3
Sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10/2020 về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế; Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn gồm có 21 người.
Tối ngày 12/10/2020, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn đã tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67. Vào lúc khoảng 00h05 ngày 13/10/2020 xảy ra sự cố sạt lở tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, 13 người mất tích.
Theo thông tin nhận được lúc 05h00 ngày 13/10/2020, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 công nhân mất tích. Nhằm triển khai công tác cứu hộ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại khu vực các nhà máy thủy điện trên sông Rào Trăng và đường 71 tỉnh Thừa Thiên Huế do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng ban và đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm Phó ban để chỉ đạo công tác triển khai tìm kiếm cứu nạn,
Đồng thời thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền; đã huy động mọi lực lượng, phương tiện,... với mục tiêu nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ tai nạn của Đoàn công tác và tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, ALin B2 để sớm cứu người bị nạn ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lúc 16h ngày 14/10/2020 lực lượng cứu hộ đã khôi phục kết nối liên lạc với Thủy điện Alin B2, toàn bộ 14 công nhân của Thủy điện A Lin B2 đều an toàn.
Đến nay lực lượng cứu hộ đã đưa 24 người ra khỏi thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4; đã tìm thấy 02 thi thể công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3; hiện nay còn 15 người đang mất tích.
Đến 19h20 ngày 15/10/2020 đã tìm thấy thi thể của 13 người trongđoàn công tác bị mất tích tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67. Các thi thể đã được chuyển về nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 để làm các thủ tục có liên quan.
Hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tiếp cận nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 bằng đường thủy để hỗ trợ lương thực và tìm kiếm những người mất tích. Bên cạnh đó huy động các phương tiện máy móc, trang thiết bị, nhân lực để khẩn trương thông tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 để tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận