Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng, tăng 15,36 triệu đồng so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4,88%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 344 công trình thủy lợi kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, năm 2015 có 19,72%, đến cuối năm 2018 còn 10,04%. Toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giai đoạn 2019-2024, tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước hợp vệ sinh…
Ngày 25/11, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Đại hội Đại biểu Dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong đầu tư phát triển toàn diện địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Khẳng định những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực lớn, công sức của quân và dân tỉnh Gia Lai trong chăm lo, cải thiện đời sống đồng bào người dân tộc thiểu số nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, hiện đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, thuận lợi và khó khăn đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai cần phát huy cao độ truyền thống của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển.
Do vậy, trong thời gian tới, để địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục ưu tiên, tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số đồng bộ. Khai thác tiềm năng lợi thế về địa chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng để tạo sinh kế mới; phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng về văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Phó Thủ tướng kỳ vọng gần 700.000 người dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh Gia Lai tiếp tục đồng lòng chung sức, xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển. Mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, tối 24/11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã dự và phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm (Techdemo) 2019 tại Gia Lai.
Techdemo 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức có chủ đề "Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
Sự kiện trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019 tại Gia Lai là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Các hội thảo quốc tế, diễn đàn chuyên sâu tại sự kiện sẽ góp phần giải quyết bài toán công nghệ cho doanh nghiệp, nhất là phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp để tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng và phát triển bền vững.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức Techdemo 2019 tại Gia Lai thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, khoa học công nghệ có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... đang thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, ảnh hưởng việc làm của hàng triệu lao động.
Cơ chế chính sách hiện hành còn chưa bắt kịp sự tiến bộ của khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển. Nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đang là vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt.
Trong bối cảnh đó, hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ được tổ chức là một nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận