Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thông tin các sỹ tử cần lưu ý trong tuyển sinh 2018 |
Cân nhắc nhóm trường có điểm đầu vào từ 20-24 điểm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6.
Dẫn lại thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2017, có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định con số này chiếm khoảng hơn 4% tổng số sinh viên đã ra trường. “Con số sinh viên thất nghiệp tại các nước trung bình chiếm khoảng 7%. Điều này cho thấy một tỷ lệ nhất định dù qua các cấp học mà không có việc làm là bình thường. Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy cạnh tranh chất lượng trong nền giáo dục”, Phó Thủ tướng nói.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp phải đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ cấp học THCS. “Đừng ngại học xong THCS vào học nghề ngay là không đủ kiến thức bởi cả thế giới đều làm vậy. Hơn nữa khi học nghề, các cháu vẫn được dạy thêm văn hóa theo đúng yêu cầu cơ bản”, ông Đam chia sẻ.
Phó Thủ tướng cũng công khai kết quả phân tích tuyển sinh 2017 bởi theo ông như vậy sẽ góp phần định hướng cho thí sinh học ngành nghề nào sẽ có tương lai tốt hơn.
Theo đó, kết quả khảo sát Bộ GD-ĐT 2017, cho thấy các trường có điểm đầu vào trên 27 điểm, tỷ lệ sinh viên ra trường sau 12 tháng có việc làm là 96%; tỷ lệ này đối với các trường từ 24- 27 điểm là 92%; nhóm trường từ 20-24 điểm là 84% trong khi nhóm từ điểm sàn 15,5 tới 20 điểm lại có tỷ lệ 89%.
Trong số nhóm ngành có sinh viên thất nghiệp sau ra trường cao nhất là khoa học, sư phạm và dịch vụ xã hội với tỷ lệ 19%, tiếp theo là môi trường và pháp luật 17%, văn hóa thể thao 16%.
“Các cháu cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ đối với các nhóm trường điểm đầu vào từ 20-24 vì đây đều là những trường đào tạo chuyên ngành”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nhận định chất lượng kỳ thi tuyển sinh trong 3 năm trở lại đây, Phó Thủ tướng cho rằng cơ bản đã được chuẩn bị tốt, riêng có khâu ra đề cần phải cại tiến thêm.
Trước kỳ tuyển sinh 2018, thí sinh cần lưu ý tới những nhóm ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp nhiều nhất |
Sửa Luật sẽ đạt 50% mục tiêu đổi mới giáo dục
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm nay ngành giáo dục Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 1 trường đại học đứng trong top 1000 của thế giới. “Sau 3 năm kiên trì theo đuổi nâng cao tự chủ, nhiều trường đại học đã nâng bậc, chỉ số nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trên thế giới đã tăng”,
Trước câu hỏi đề nghị đánh giá công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang ở bước nào; có quyết định đổi mới nữa hay không, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó. Theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều cách để phân định nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Đứng trên quan điểm ngành giáo dục, ông tạm chia làm 8 đầu mục đổi mới bao gồm: hệ thống, khung trình độ; chương trình sách giáo khoa; phương pháp giảng dạy gắn v ới giáo viên; kiểm định đánh giá thi cử; cơ sở vật chất; quản lý nhà nước; quản trị cơ sở giáo dục. “Tới giờ phút này chúng ta đã xây dựng được khung trình độ , đang đổi mới sách giáo khoa, thực hiện từng bước tự chủ đại học… đặc biệt đang trình sửa 2 dự thảo Luật GD sửa đổi và GD ĐH”, Phó Thủ tướng nhận định.
Theo Phó thủ tướng việc sửa luật cần khắc phục 3 điểm yếu cố hữu từ trước tới nay của giáo dục nước nhà gồm: Chương trình học nặng nhồi nhét không khuyến khích sáng tạo học sinh và giáo viên; hệ thống đào tạo không liên thông, không tạo điều kiện học suốt đời dẫn tới hệ lụy chạy theo bằng cấp; nặng chỉ đạo hành chính không khuyến khích tự chủ, thiếu sự tham gia của các thành phần cơ bản như giáo viên, học sinh và cộng đồng… “Lần này nếu sửa được luật theo xu hướng trên, coi như công cuộc đổi mới gáio dục của chúng ta sẽ hoàn thành được một nửa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận