Xã hội

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Không để lại gánh nợ cho đời sau"

22/10/2016, 16:31

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ siết chặt kỷ cương tài chính ngân sách, không để lại gánh nợ cho đời sau.

IMG20161022094112

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 22/10.

Sáng 22/10, các ĐBQH thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trao đổi thêm với báo giới bên hành lang Quốc hội về những lo ngại, thách thức tình hình kinh tế xã hội 5 năm tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, đảm bảo vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công.

Thưa Phó Thủ tướng, có ý kiến cho biết Chính phủ đề xuất nới trần nợ công để có dư địa mới cho đầu tư phát triển. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?

Vấn đề nới hay không nới trần nợ công đã được các nhà quản lý cũng như giới chuyên gia bàn thảo khá nhiều, theo nguyên lý chung: đất nước đang khó khăn, chưa có của ăn của để nên phải đi vay để phát triển.

Nhiều người cũng nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà mình lại cứ chốt 65%. Cái này Chính phủ đã tính toán kỹ, trần nợ công quan trọng nhưng không phải là tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng.

Theo thông lệ quốc tế, nghĩa vụ trả nợ của NSNN trên thu NSNN 25% là rất khó khăn. Thực tế, năm 2015 con số này là trên 27%, kể cả phần trực tiếp chi trả nợ, phần vay để đảo nợ vì năm 2016 -2017 là cực đỉnh của nợ. Vì vậy, nếu nay mai nới trần lên thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều.

Vậy để nợ công không vượt trần mà vẫn đảm bảo nguồn lực để đầu tư phát triển, Chính phủ đưa ra những giải pháp gì, thưa Phó Thủ tướng?

Để bảo đảm bền vững an toàn nợ công, dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài của quốc gia là không quá 55% cho đến tận năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội như thế.

Để bảo đảm được đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động được cao độ nguồn lực. Mọi người đều nói, kiều hối về cũng nhiều, ngoại tệ trong dân cũng nhiều, vàng trong dân cũng còn lắm thì bây giờ Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp thành lập nhiều lên thì đầu tư vào nhiều hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh và làm sao để người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh. Một đồng nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng “mồi” thôi.

Tái cơ cấu đầu tư công thì phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn như thế thì NSNN chỉ đầu tư vào những cái thiết yếu, quan trọng, có tính chất là "mồi" và phấn đấu làm sao tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống.

5 năm tới, chúng ta phải siết chặt kỷ luật tài khóa theo từng năm. Đồng thời phải coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương, cố gắng tăng thu để tăng chi mà chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế chứ không để lại gánh nợ cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công.

Lâu nay có tình trạng dự án đầu tư công bị đội vốn so với dự toán. Vậy lần này Chính phủ có lường trước những tình huống như vậy?

Sau khi có chỉ thị về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Nhà nước, kể cả TƯ, địa phương chỉ chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt. 

Còn ai làm đội vốn thì người nào quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm. Lần này Chính phủ phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương về ngân sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.