Quản lý

Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cước vận tải

27/04/2019, 06:10

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cước vận tải khi giá xăng dầu tăng, tránh việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

img
Xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải song việc tăng giá cước còn phụ thuộc vào kế hoạch, phương án đối phó của từng doanh nghiệp - Ảnh: K. Linh

Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp mới đây, trong đó yêu cầu Bộ GTVT sớm triển khai kết luận của Chính phủ về giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; rà soát trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà đầu tư, đánh giá lưu lượng xe và tổng suất đầu tư đã tính toán lại để báo cáo lại với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp giảm được giá thì ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu phí. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cước vận tải nhất là trong thời điểm giá xăng dầu có xu hướng tăng để kịp thời có biện pháp quản lý phù hợp, tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Trước đó, chỉ tính riêng trong tháng 4, qua hai kỳ điều chỉnh (ngày 2 và 17/4), giá bán lẻ xăng dầu đã hai lần tăng liên tiếp với mức tăng tổng cộng khoảng 2.690 đồng một lít xăng RON 95 và 2.480 đồng với E5 RON92.

Lãnh đạo một hãng taxi có trụ sở ở Hà Nội cho biết, sau lần tăng giá xăng dầu ngày 17/4, doanh nghiệp cũng tính tới việc xem xét phương án điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nếu tăng cũng sẽ không tăng đáng kể, bởi phải đảm bảo mặt bằng chung cũng như duy trì sức cạnh tranh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội vẫn khuyến khích các hãng taxi truyền thống tiết giảm chi phí hoạt động, giữ ổn định giá cước và nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ thị phần.

Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng thì cho rằng, không phải cứ mỗi khi tăng giá xăng dầu thì doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước ngay, bởi họ phải tuân thủ giá ghi trên hợp đồng vận tải đã ký với đối tác trước đó. Có những hợp đồng đã ký trước cả năm nên không dễ dàng đàm phán để điều chỉnh giá vận tải.

Cho rằng việc giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải, bởi theo thông số chung, xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải song theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, giá cước vận tải thời điểm này sẽ không biến động. Điều này phụ thuộc việc các doanh nghiệp vận tải có những phương án, kế hoạch để đối phó.

"Khi xây dựng phương án giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải dự báo được giá cao nhất và thấp nhất để tính toán mức giá phù hợp trong chu kỳ 3-6 tháng hay 1 năm. Giá thực tế dao động lên xuống nhưng vẫn nằm trong phạm vi tối thiểu và tối đa. Khi giá cước vượt qua biên độ đó và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp mới tính toán đến chuyện điều chỉnh", ông Quyền cho biết.

Như vậy, có thể nhận định, việc tăng giá cước sẽ chưa thể ảnh hưởng ngay và quá lớn đến giá cước taxi cũng như dịch vụ vận tải hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc giá tiêu dùng nhóm giao thông sẽ chưa thể tăng cao và không thể đẩy CPI tăng mạnh như lo ngại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.