Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến mua, bán và đăng kiểm, đăng ký tàu biển.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về mua, bán và đăng kiểm, đăng ký tàu biển. Trong đó, đặc biệt lưu ý các quy định có liên quan đến hoán cải tàu biển, thẩm quyền, quy trình thủ tục thực hiện hoán cải và đăng ký tàu biển đã được hoán cải... để đề xuất phương án xử lý những bất cập trong cơ chế quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.
Theo các Cục Hàng hải VN và Đăng kiểm VN, hiện việc đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển được quy định tại Nghị định 161/2013 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Về đăng ký, có các hình thức đăng ký tàu biển sau: không thời hạn; có thời hạn; đăng ký lại; đăng ký thay đổi; đăng ký tạm thời; đăng ký tàu biển đang đóng; đăng ký tàu biển loại nhỏ.
Các hình thức mua, bán, đóng mới tàu biển gồm: việc mua, bán tàu biển giữa doanh nghiệp có vốn Nhà nước được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, đấu giá hoặc chào hàng cạnh tranh. Còn doanh nghiệp không có vốn Nhà nước tự quyết định hình thức mua, bán, đóng mới tàu biển.
Về đăng kiểm, công tác đăng kiểm tàu biển hiện được thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2016 của Bộ GTVT quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam. Cục Đăng kiểm VN là cơ quan thực hiện chức năng tổ chức đăng kiểm Việt Nam; tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận