Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á từ 21/8. Từ ngày 22 đến ngày 24/8, bà Kamala Harris ở thăm Singapore.Từ ngày 24 đến ngày 26/8 thăm chính thức Việt Nam.
Bà Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới Việt Nam từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và được tiếp nối sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào cuối tháng 7 vừa qua.
Thân thế Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam - ảnh US embassy in Ha Noi.
Tên đầy đủ là Kamala Devi Harris, nữ chính trị gia Mỹ xuất thân từ một Thượng nghị sĩ đại diện cho California trong Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 2017.
bà Kamala Harris đã phá vỡ các rào cản khi nhậm chức Phó tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1.
Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên có tổ tiên gốc Phi, Jamaica và Nam Á – giành được vị trí đó từ bầu cử.
“Dù tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên trong văn phòng này (Phó Tổng thống), nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng - bởi vì mọi cô gái đều thấy rằng Hoa Kỳ là một đất nước của những khả năng,” – bà Harris từng nói như vậy vào ngày 7 tháng 11 năm 2020.
Sinh năm 1964 tại Oakland, bang California, Kamala Harris là con gái của những người nhập cư.
Cha của bà Kamala Harris, ông Donald Harris, một người gốc Jamaica, một nhà kinh tế đã nghỉ hưu.
Kamala Harris nói rằng bà đã lớn lên để tin vào lời hứa của nước Mỹ. Mẹ của Kamala Harris, bà Shyamala Gopalan Harris là một người gốc Ấn Độ và là một nhà hoạt động dân quyền và chuyên gia nghiên cứu ung thư vú.
Kamala Harris từng kể rằng mẹ của bà đã nói với các con: “Đừng ngồi một chỗ và phàn nàn. Hãy làm việc gì đó.".
Bà Kamala Harris tốt nghiệp Đại học Howard, một trường đại học có lịch sử của Người da đen ở Washington, và lấy bằng luật của Đại học Luật Hastings, Đại học California.
Kamala Harris đã từng làm Phó luật sư quận ở Oakland trong vài năm và năm 2003 trở thành luật sư chính ở San Francisco.
Năm 2010, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ Da đen đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý California, giám sát Bộ Tư pháp.
Năm 2014, bà Kamala Harris kết hôn với luật sư Douglas Emhoff và trở thành mẹ kế của các con ông Emhoff.
Là một thượng nghị sĩ, bà Kamala Harris phục vụ trong Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện, Ủy ban Lựa chọn về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Ngân sách.
Bà Kamala Harris nói rằng các ưu tiên của mình với tư cách là Phó tổng thống sẽ là giúp Tổng thống Biden chấm dứt đại dịch COVID-19, mở rộng cơ hội kinh tế và chăm sóc sức khỏe, giải quyết tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, đối đầu với chủ nghĩa khủng bố và phân biệt chủng tộc có hệ thống, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quốc tế cùng chia sẻ mối quan tâm.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, khi giới thiệu bà Kamala Harris tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ vào năm 2020, đã nói: “Tôi sẽ có một Phó tổng thống tuyệt vời ở bên cạnh mình”.
Lịch trình công tác của bà Kamala Harris tại Việt Nam
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Theo kế hoạch, các hoạt động chính thức của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ bắt đầu từ sáng 25/8. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ chủ trì đón tiếp Phó tổng thống Mỹ. Sau đó, bà Harris cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.
Buổi lễ sẽ được tổ chức ngày 25 tháng 8, với sự tham dự của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Giám đốc CDC Hoa Kỳ, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng Y tế đến từ các quốc gia.
Văn phòng khu vực mới sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn, đồng thời xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế.
Theo chính quyền Mỹ, CDC đóng vai trò đặc biệt phù hợp để tăng cường gắn kết và hợp tác của Hoa Kỳ với các lãnh đạo Đông Nam Á nhằm nâng cao năng lực khu vực trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa y tế mới nổi khác.
Những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo - tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình đổi mới nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư, bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó Khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.
Bà Kamala Harris dự kiến cũng sẽ gặp gỡ đại diện của các tổ chức xã hội về bảo vệ môi trường, trao quyền cho phụ nữ, quyền của người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+.
Sau khi kết thúc chuyến thăm, vào ngày 26/8, Phó tổng thống Mỹ dự kiến sẽ chủ trì họp báo về kết quả của chuyến thăm và tương lai của Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực.
Video phát biểu đáng chú ý của bà Kamala Harris sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore:
Cập nhật: Chuyến bay của Phó Tổng thống Mỹ từ Singapore bị hoãn Theo báo Bloomberg, chiều 24/8, chuyến bay của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khởi hành từ Singapore đến Hà Nội đã bị trì hoãn vì một lý do chưa xác định. Dẫn lời nhà báo Zolan Kanno-Youngs của tờ New York Times, thành viên nhóm báo chí tháp tùng Phó Tổng thống Harris trong chuyến công du lần này, Bloomberg cho biết sau khi nhóm được hộ tống vào đoàn xe, chuẩn bị di chuyển từ khách sạn Shangri-La đến căn cứ không quân Paya Lebar, thì nhân viên của Phó Tổng thống Mỹ đã gọi các nhà báo quay trở lại khách sạn vào khoảng 15h30. Theo lịch trình được công bố trước đó, bà Kamala Harris sẽ khởi hành từ Singapore lúc 16h chiều 24/8 (giờ địa phương) để đến sân bay quốc tế Nội Bài vào khoảng 18 giờ chiều cùng ngày. Nhà Trắng hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về lý do trì hoãn chuyến bay của Phó Tổng thống Kamala Harris cũng như thời gian trì hoãn bay là bao lâu. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận