Kinh tế

Phòng, chống buôn lậu: Luật còn nhiều bất cập

15/11/2016, 07:15

Nhận định trên được nêu ra tại buổi Tọa đàm chống buôn lậu - giải pháp trong những tháng cuối năm...

4

Tình trạng buôn lậu thuốc lá lại bùng phát từ đầu năm tới nay - Ảnh minh họa

Liên quan tới việc xử lý các vụ buôn lậu, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhận định: Đấu tranh, bắt giữ vụ việc buôn lậu đã khó, xử lý hình sự hành vi này lại càng khó hơn. Cụ thể, số vụ án bị khởi tố chưa tới 10% so với số vụ bắt giữ, gây giảm sức răn đe của pháp luật đối với tội phạm buôn lậu.

“Buôn lậu được tổ chức theo đường dây khép kín, hành vi ngày càng tinh vi, trong khi đó, luật pháp lại còn nhiều bất cập. Ví như theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) phải chứng minh yếu tố hàng được vận chuyển qua biên giới. Điều này rất khó, thực tế tỷ lệ bắt giữ hàng lậu tại biên giới không nhiều, chủ yếu bắt trong nội địa. Chưa hết khi bắt được cũng phải tổ chức giám định, quy ra bằng tiền... phức tạp và mất thời gian. Nhiều vụ việc đã khởi tố rồi lại phải dừng lại, khi chứng minh được thì đối tượng cầm đầu lại bỏ trốn”, ông Lộc lý giải.

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá, trong các mặt hàng buôn lậu, thuốc lá chiếm nhiều nhất bởi hình thức gọn nhẹ, lợi nhuận cao. Mỗi năm có khoảng 1 tỷ bao thuốc lá lậu nhập về Việt Nam gây thất thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho ngân sách và mất việc làm của hơn 1 triệu lao động. Đáng nói, sau một thời gian “lắng xuống”, từ đầu năm 2016 tới nay, tình hình buôn lậu thuốc lá lại bùng phát.

Ngay trong các văn bản pháp luật quy định việc xử lý buôn lậu thuốc lá cũng còn nhiều chồng chéo, bất cập. Cụ thể: Nghị định 43/2009/NĐ-CP hay Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Quy định như vậy dễ gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu mặt hàng này”, ông Cường phân tích.

Ngoài ra, các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm (bao gồm thuốc lá nhập lậu) được BLHS 2015 điều chỉnh tại Điều 190 và 191 đã bỏ quy định về số lượng mặt hàng phạm pháp (từ 1.500 tới dưới 4.500 bao) vốn đã quy định trước đây tại BLHS 1999. Thay vào đó, BLHS 2015 lại quy định thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng. “Để có thể xử lý hình sự theo BLHS 2015, lượng hàng lậu bắt được phải lớn hơn 4,4 lần số lượng theo quy định cũ. Quy định như vậy vô hình đã giảm nhẹ cho tội buôn lậu thuốc lá”, ông Cường nhấn mạnh và kiến nghị nên mau chóng sửa đổi những bất cập trên trong BLHS 2015.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.