Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng được phát hiện và đưa ra xét xử vừa qua cho thấy số tiền tham ô, chiếm đoạt, thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi tài sản thất thoát rất khó khăn, do các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn nhằm che giấu, tẩu tán tiền, tài sản có được do phạm tội. Bên cạnh đó, công tác chứng minh, xử lý hành vi “rửa tiền” vẫn là một thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tội phạm rửa tiền gây nhiều hệ lụy
Rửa tiền một trong những loại tội phạm nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Bằng những thủ đoạn tinh vi, tội phạm tìm cách biến hóa tiền, tài sản bất hợp pháp có được từ các hành vi phạm tội (tiền bẩn) thành những đồng tiền hợp pháp có nguồn gốc sạch sẽ.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia. Hoạt động rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển giữa các nguồn tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những biến động trong cung cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái. Tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Không những thế, rửa tiền còn tác động tiêu cực đến định hướng đầu tư, tạo ra nhiều rủi ro, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiền từ hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế, mà chủ yếu đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như mua sắm tiêu dùng cá nhân, đầu tư vào các công ty bình phong…
Phòng, chống rửa tiền là vấn đề được đặt ra từ lâu, nhưng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, đây vẫn là lĩnh vực có những kết quả hạn chế.
Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ, ngoài tội danh tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cùng một số đồng phạm còn bị truy tố xét xử về tội Rửa tiền theo quy định tại Điều 324 BLHS 2015 là một điểm sáng rất tích cực, làm tiền đề cho những vụ án tương tự được giải quyết triệt để hơn.
Kết luận điều tra cho thấy, sau khi có được tiền bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến, Phan Sào Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức.
Trong đó, Phan Sào Nam chuyển tiền cho dì ruột là bà Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng. Bà Hương sử dụng tiền mua mảnh đất gần 1.000 m2 tại quận 7, TP Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Phan Sào Nam chỉ đạo Ðỗ Bích Thủy (nguyên Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt) rút 50 tỷ đồng gửi tiết kiệm; đầu tư góp vốn vào Công ty Vịnh Hạ Xanh Hạ Long, Công ty Ấn tượng Hạ Long, Công ty Bitpro, Công ty Fintech…
Ngoài ra, Nam gửi 3,5 triệu USD ở ngân hàng tại Singapore, gửi một người bạn ở Quảng Ninh cất giữ gần 150 tỷ đồng cùng số ngoại tệ và vàng trị giá 142 tỷ đồng; nhờ một người ở TP Hồ Chí Minh gửi tiết kiệm 101 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ có giá trị hợp đồng gần 112 tỷ đồng, mua bốn căn hộ trị giá gần 39 tỷ đồng. Còn hơn 530 tỷ đồng Nam chuyển cho một số người khác cất giữ.
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 850 tỷ đồng, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139 tỷ đồng, tạm giữ 5 xe ô tô các loại…
Đối với Nguyễn Văn Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỷ đồng, để hợp thức hóa hàng nghìn tỷ tiền lời bất chính từ tổ chức đánh bạc qua mạng, Dương lập các công ty “ma” để quay vòng tiền, nâng khống vốn và đầu tư vào dự án BOT và lập nhiều công ty để nâng khống vốn Công ty UDIC. Ban đầu, Dương nhờ người thân đứng tên lập ba công ty để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỷ đồng.
Với thủ đoạn quay vòng tiền để nâng vốn, Dương chỉ đạo nhân viên gửi 24 tỷ vào tài khoản anh ta, rồi chuyển tiền vào Công ty UDIC và tiếp tục chuyển cho ba công ty trên. Cuối cùng, ba công ty rút tiền, chuyển vào tài khoản của Dương để bị cáo này tiếp tục quay vòng tiền.
Trong hai năm, vốn điều lệ của UDIC thể hiện tăng 1.400 tỷ nhưng thực tế không tăng đồng nào. Để rửa tiền, Dương còn có 33 lần góp 330 tỷ đồng vào BOT Bắc Giang – Lạng Sơn. Tuy nhiên, Dương chỉ góp 23 tỷ trên thực tế, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào Công ty UDIC mà có. Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở công ty UDIC được gần 330 tỷ đồng và rút tiền về gửi tiết kiệm, mua tầng 5-6 của một tòa nhà ở quận Đống Đa.
Với các hành vi trên của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương, cơ quan tố tụng xác định đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Rửa tiền”. Ngày 12/3/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ do hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bảo kê.
Theo đó, tòa bác kháng nghị, tuyên y án sơ thẩm hình phạt 10 năm tù đối với Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC), 5 năm tù với Phan Sào Nam (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến) về cùng hai tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Tố tụng nhiều đại án kinh tế, tham nhũng, nhưng chưa xem xét đến hành vi rửa tiền?
Trước vụ án đánh bạc ngàn tỉ, trong những năm qua, chúng ta đã điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhiều đường dây buôn lậu, buôn bán ma tuý, nhiều ổ nhóm bảo kê nhà hàng, sòng bạc, nhưng chưa xử lý được hành vi rửa tiền.
Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Ðầu tư xây dựng nhà đất – Housing Group. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Nga đã lừa đảo chiếm đoạt 348 tỉ đồng của khoảng 700 khách hàng và tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thu Nga tù chung thân, buộc bị cáo Nga phải bồi thường 54 tỷ đồng cho hàng trăm người bị hại.
Bà Nga đã chi hơn 80 tỉ cho mục đích cá nhân gia đình và hoạt động của Housing Group như: góp vốn cho công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Á Châu; mua cổ phần của nhiều công ty… Trong số tiền chi cho mục đích cá nhân, bà Nga chi hơn 8 tỉ hợp tác với các hãng phim để sản xuất phim, chi làm một số chương trình từ thiện…
Cùng nhiều đại án khác như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land; Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín – TrustBank…
Thông qua hoạt động điều tra, xét xử các vụ án này cho thấy thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức doanh nghiệp cũng như nhà nước là vô cùng lớn. Trong đó, nhiều vụ tài sản bị chiếm đoạt, tham ô lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền, tài sản được các đối tượng chủ yếu sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân mua sắm nhiều bất động sản, ô tô sang, hàng hiệu…, góp vốn đầu tư vào các doanh nghiêp, làm từ thiện… sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức nguồn tiền “đen” thu được từ các hoạt động tội phạm hòng che dấu, tẩu tán tài sản.
Một điều đáng nói là, trong hầu hết các đại án này, vấn đề có hay không hành vi rửa tiền chưa được cơ quan tố tụng xem xét. Việc xác định nguồn tiền, tài sản này được chuyển hóa như thế nào, được chuyển cho ai, bằng cách nào để có hình thức phong tỏa tài sản phù hợp nhằm thu hồi cũng chưa thực hiện một cách triệt để.
Thực tế cho thấy số tài sản thu hồi được từ các vụ án này còn rất thấp, đáng chsú ý có một số vụ không có khả năng thu hồi (Theo báo cáo trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018, có 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi).
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình lý giải: Bộ luật Hình sự 2105 sửa đổi năm 2017 tuy đã bổ sung, cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, vẫn phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Nghị quyết quy định nhiều tội phạm là tội phạm nguồn của tội rửa tiền như: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… Theo đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Vừa qua, Chính phủ ban hành kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền. Theo Quyết định số 474/QĐ-TTg, Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.
Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã xác định rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia là thấp. Báo cáo cũng đã xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, casino...
Mục tiêu của kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam trong năm 2019.
Kế hoạch hành động được chia thành 5 nhóm hành động gồm: 1. Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2. Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3. Hợp tác trong nước; 4. Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5. Hợp tác quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận