Thế giới

Phóng Thần Châu 11, Trung Quốc nghiên cứu gì trên vũ trụ?

21/10/2016, 07:25
image

Sáng sớm 17/10, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 11 vào vũ trụ với nhiệm vụ không gian dài nhất 33 ngày.

unnamed
Hình ảnh minh họa Phòng thí nghiệm Thiên Cung 2 nơi sẽ được Trung Quốc mở rộng thành trạm vũ trụ “made in China” trong năm 2022

Sáng sớm 17/10, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 11 vào vũ trụ với nhiệm vụ không gian dài nhất 33 ngày. Động thái này được nhiều chuyên gia đánh giá là bước tiến dài của Trung Quốc trong tham vọng cạnh tranh kiểm soát không gian với Nga và Mỹ.

Làm việc

Tàu vũ trụ Thần Châu 11 do hai phi hành gia Jing Haipeng và Chen Dong điều khiển được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh vũ trụ Cửu Tuyền, tỉnh Cam Túc đã ghép thành công với phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 2 vào ngày 19/10. Đây là nơi hai phi hành gia Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ vũ trụ dài nhất trong lịch sử, để thực hiện nhiều thử nghiệm về sinh học, y học và vật lý.

Từ sáng sớm 19/10, truyền hình Trung Quốc phát sóng trực tiếp hình ảnh tàu vũ trụ đáp đến phòng thí nghiệm thành công. Trong đó, hai phi hành gia bay lơ lửng trong hành lang của phòng thí nghiệm với khoảng hẹp 1m, rộng 80cm trong tình trạng sức khỏe ổn định. Tới đây, khi vào phòng Thiên Cung, các phi hành gia sẽ thực hiện nhiều hoạt động: Thí nghiệm vật liệu không gian, trồng trọt trong không gian và duy trì tàu vũ trụ trong quỹ đạo. Nhiều cuộc thí nghiệm khác được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về khoa học của cộng đồng bao gồm ba thí nghiệm vật lý nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn sự thay đổi của các vật liệu trong môi trường không trọng lượng.

Vì nhiệm vụ dài ngày, các phi hành gia đối mặt rất nhiều thách thức về sức khỏe thể chất và trí óc. Để chống chọi với các điều kiện thực tế, họ phải tập luyện bằng máy chạy bộ và dụng cụ tập nở ngực trong phòng thí nghiệm, mặc đồ phi hành gia đặc dụng với chất liệu đàn hồi để ngăn chặn tình trạng cơ bị suy yếu. Đồng thời, để giải phóng áp lực, họ thường xuyên trao đổi với các chuyên gia tâm lý, gia đình cùng đồng nghiệp trên trái đất qua video, tin nhắn thoại và email.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ, hai phi hành gia thực hiện 33 ngày luyện tập kín. Ngoại trừ điều kiện không trọng lượng, họ được luyện tập và trải nghiệm thử tất cả các điều kiện tương tự như phòng thí nghiệm trong không gian vũ trụ. Hai phi hành gia thực hiện 8 chủ đề luyện tập bao gồm luyện tập thể chất, luyện tập trí óc, làm quen với môi trường không gian vũ trụ, kỹ năng cứu hộ và sinh tồn, quy trình đáp và ghép với phòng thí nghiệm, sơ cứu y tế và trải nghiệm trên quỹ đạo.

Sống

Về trang phục, hai phi hành gia sẽ mặc hai loại quần áo riêng biệt: Trên quỹ đạo và trên mặt đất, với tổng cộng 10 bộ khác nhau đáp ứng tất cả các nhu cầu cần thiết.

Theo nhà nghiên cứu về trang phục phi hành gia Yang Lizhong, quần áo được thiết kế tiện dụng trong các trường hợp khác nhau, mang đặc điểm thẩm mỹ của Trung Quốc. Cụ thể, trang phục các phi hành gia mặc trong không gian bao gồm trang phục làm việc, giày, trang phục tập luyện, trang phục mặc thông thường, quần lót, túi ngủ và một bộ quần áo vũ trụ hay được gọi là “quần áo chim cánh cụt” giúp bảo vệ cơ thể của phi hành gia trong không gian vũ trụ. Quần áo mặc trên mặt đất bao gồm quần áo luyện tập, áo khoác. Các phi hành gia cũng được thiết kế riêng các phụ kiện như cà vạt, khăn quàng, băng che mắt và mũ len che tai.

Về việc ăn uống đảm bảo sức khỏe, các phi hành gia cũng dùng ba bữa như người bình thường, trong đó thực đơn được thay đổi liên tục mỗi ngày trong chu kỳ 5 ngày; Tổng cộng hơn 100 món trong 33 ngày. Theo ông Cao Ping, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm phi hành gia, các phi hành gia sử dụng nước tiệt trùng và thực phẩm có thời hạn trong vòng 1 năm. Trong Thiên cung II cũng có bếp để các phi hành gia hâm nóng lại thực phẩm. Trên không gian vũ trụ, hai phi hành gia cũng làm việc và nghỉ ngơi như lịch người bình thường: Làm 6 ngày/tuần và 8 giờ/ngày. Trong thời gian nghỉ ngơi, họ có thể chụp ảnh, nghe nhạc, nói chuyện riêng qua video với gia đình.

Đầu tư 6 tỉ USD/năm vào vũ trụ

Với nhiệm vụ lần này, Trung Quốc tham vọng tự xây dựng trạm không gian vũ trụ vào năm 2022, tách biệt với Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng việc đưa thêm nhiều mô-đun lên vũ trụ để mở rộng Phòng Thí nghiệm Thiên Cung 2. Hiện nay, Trung Quốc đang là nước thứ 3 trên đường đua không gian vũ trụ thế giới, sau Mỹ và Nga. Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD và nguồn lực lớn vào chương trình vũ trụ, dự kiến thực hiện 20 nhiệm vụ vũ trụ riêng trong năm nay.

Trung Quốc tham gia cuộc đua vũ trụ muộn nhất, mới đưa vệ tinh vào vũ trụ lần đầu tiên vào năm 1970, trong khi, lúc đó Mỹ đã đưa người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Song, “Trung Quốc đang phát triển với tốc độ cực nhanh trở thành một trong những nước đóng góp lớn trong ngành Không gian vũ trụ”, Trưởng phòng Hợp tác đến từ Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) cho biết. Trung Quốc chi khoảng 6 tỉ USD/năm vào chương trình không gian. Đây là con số khá lớn, cao hơn Nga 1 tỉ USD nhưng vẫn thua Mỹ với mức chi “khủng” 40 tỉ USD/năm.

Dù vậy, xét về số lượng nhiệm vụ không gian, năm 2013, Trung Quốc thực hiện 14 vụ, Nga thực hiện 31 vụ còn Mỹ mới thực hiện được 19 vụ thành công. Với số lượng đó, rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành đối thủ ngày càng mạnh và ngành Không gian vũ trụ sẽ phải nhìn nước này với con mắt khác.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.