Thế giới

Phóng viên các nước tác nghiệp trong vùng thiên tai thế nào?

16/10/2017, 10:35

Vấn đề phóng viên hiện trường lăn xả, liều mình trong những sự kiện thảm họa, bão lũ, mang hình ảnh, tin tức...

36

Phóng viên Mike Seidel, đến từ kênh The Weather Channel chống cự trước dòng nước lũ để đưa tin

Vấn đề phóng viên hiện trường lăn xả, liều mình trong những sự kiện thảm họa, bão lũ, mang hình ảnh, tin tức cho độc giả vốn gây tranh cãi trong giới truyền thông thế giới bấy lâu nay, nhất là sau những “cơn cuồng nộ của thiên nhiên” như Irma, Harvey... vừa đi qua.

Liều mình đưa tin

Theo hãng tin AP, để có thể truyền tải những hình ảnh bão lũ lột tả sức tàn phá kinh hoàng của các trận thiên tai tới độc giả, các hãng truyền thông đều đưa ra hiện trường những đội phóng viên, quay phim hàng đầu để cập nhật tin tức phục vụ công chúng. Phóng viên phải lao mình ra giữa những cơn gió giật mạnh cấp 4, mưa tới tấp hay dòng nước lũ chảy xiết để đưa những hình ảnh chân thực nhất.

Như trong lần đưa tin về bão Irma với sức gió có lúc lên tới 280km/h, phóng viên Gabe Gutierrez của Đài Truyền hình NBC (Mỹ) đang đứng dưới đường thực hiện bản tin trực tiếp thì gió giật mạnh khiến một cây lớn đổ ập, buộc cả đội nhân viên đang ghi hình phải bỏ chạy.

Có những phóng viên phải tận dụng nhiều phụ kiện để chống lại sức mạnh của bão. Như anh Miguel Almaguer từ Đài NBC phải dùng tới dây kéo vòng qua eo và cột vào một trụ bê tông để không bị gió bão “thổi bay” trong lúc đưa tin trực tiếp.

Phóng viên Gio Benitez của Đài ABC dùng dây để cố định trên một ban công khi tác nghiệp trong bão. Anh Kyung Lah đến từ hãng tin CNN phải giữ chặt hàng rào kim loại để chống lại sức mạnh của gió khi đưa tin. Đó là những lúc may mắn vì tìm được điểm để cố định, còn phần lớn phóng viên chỉ biết trông cậy vào đôi chân bám chặt xuống đất.

Biết mạo hiểm nhưng các phóng viên vẫn chấp nhận. Vì chỉ có vậy, họ mới có thể quay lại được những hình ảnh chân thực nhất giữa vòng xoáy bão lũ. “Dù bị bão táp quần cho bầm dập thâm tím, đối mặt với nguy cơ sét đánh nhưng kịp chớp được hình ảnh ánh mặt trời khi mắt bão đi qua, với tôi, chỉ đó thôi cũng là đủ tuyệt vời”, phóng viên Mike Bettes đến từ The Weather Channelchia sẻ lại một kỷ niệm tác nghiệp trong bão nhớ đời với hãng tin AP.

Vì sao phải lăn xả vào bão lũ?

Trong khi phần lớn độc giả phương Tây đều cảm phục tinh thần lăn xả của phóng viên trong bão lũ thì không ít người đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết phải liều mạng như vậy? Điển hình, khi bản tin về bão Irma tại Key Largo, Florida, trong đó người dẫn chương trình Chris Cuomo lao đao giữa dòng nước lũ, nhiều cư dân mạng xã hội (MXH) Twitter chỉ trích: “Tại sao các kênh truyền thông lại phải đưa phóng viên vật lộn ở ngoài bão lũ như vậy? Một người khác cảm thán: “Quá nguy hiểm!”. Một số người cho rằng, phóng viên đứng giữa thời tiết như vậy sẽ làm gương xấu cho người dân.

Theo quan điểm từ các phóng viên hiện trường, việc đưa hình ảnh từ bão là cần thiết để thuyết phục người dân cảnh giác trước các mối đe dọa, kêu gọi di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm càng sớm càng tốt, tờ New York Times viết. Ông Mark Strassmann, phóng viên CBS có kinh nghiệm đưa tin bão lũ trong 25 năm chia sẻ: Một phần lý do khiến các kênh truyền hình đưa tin bão lũ vì đó là bằng chứng bằng hình ảnh. Bạn muốn thuyết phục người khác về sức mạnh của bão lũ và ảnh hưởng đến đâu thì phải có chứng cứ. Nếu độc giả nhìn thấy tôi đứng giữa bão, không thể trụ vững thì hình ảnh đó góp phần thuyết phục họ không nên làm việc tương tự”.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn?

Để đảm bảo an toàn, các cựu phóng viên hiện trường chia sẻ, họ rất cẩn trọng khi phải lao ra những tình huống nguy hiểm tới mạng sống chẳng hạn cách phóng viên dùng các vật dụng để đảm bảo an toàn được đề cập ở trên.

Hơn nữa, theo Nhà khí tượng Stephanie Abrams đồng chủ nhiệm chương trình Wake Up with Al và Your Weather Today của Weather Channel (Kênh Thời tiết) cho biết: “Chúng tôi thường đến nơi được dự đoán chịu ảnh hưởng mạnh vài ngày trước khi bão ập tới, xem xét khu vực, bọc các thiết bị bằng phụ kiện chống nước, chuẩn bị dự trữ lương thực, sẵn sàng áo phao cứu hộ, mũ bảo hiểm và quần áo hộ thân trong trường hợp khẩn cấp”. Ngoài ra, “Khi ra ngoài làm việc, do không thể đánh giá tình hình bão tồi tệ đến đâu nên chúng tôi phải trông cậy vào đội ngũ trợ giúp ở nhà, hướng dẫn địa điểm nên đến và đánh giá điều kiện an toàn”.

Trong một vài trường hợp, các phóng viên phải biết nói “không” với các trường hợp nguy hiểm để bảo vệ mạng sống của chính mình, đó chính là linh cảm, kỹ năng sinh tồn cơ bản mà bất cứ ai cũng phải hiểu rõ. “Thực tế, có những suy nghĩ “nếu mình không làm, sẽ có hàng triệu người khác đang mong ngóng công việc này sẵn sàng thực hiện” đã ăn sâu vào nhiều phóng viên nên động lực đó đã thôi thúc họ đi làm trong khi bản thân cũng biết chắc là nguy hiểm - đó chính là hy sinh”, phóng viên Hayley Minogue đến từ Kênh WKRG, chi nhánh của CBS cho hay.

Trước những sự kiện bão lũ kinh hoàng, có lẽ không ai biết trước được điều gì nhưng nguy cơ vẫn có thể hạn chế nếu ban biên tập đặt sự an toàn của nhân viên lên trên hết đồng thời phóng viên cũng cần biết và buộc nói “không” khi cảm thấy bản thân không đủ sức. Cô Whitney Burbank, phóng viên WPBF, chi nhánh của đài ABC tại West Palm, bang Florida chia sẻ, cô không hề bị áp lực vì “sếp của tôi luôn rất thận trọng trong trường hợp không an toàn, Ban biên tập luôn đặt sự an nguy của nhóm phóng viên lên trên hết”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.