Theo các chuyên gia, yêu cầu khai báo y tế đối với những người mua thuốc cảm, sốt tại các hiệu thuốc là biện pháp cần thiết, giúp sàng lọc người bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, quy định này đang bị bỏ ngơ…
Nhân viên bán thuốc kiêm “bác sĩ” kê đơn?
Sáng 28/7, ngay trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19, ghi nhận tại nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Đà Nẵng, tình trạng phớt lờ quy định phòng chống dịch Covid-19 vẫn diễn ra phổ biến.
Tại một hiệu thuốc tây khá lớn trước mặt tiền chợ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), khi khách cho biết muốn mua thuốc trị ho, sốt cho vợ, người bán thản nhiên lấy ra 6 loại thuốc với lời dặn uống trong 3 ngày, không hề lý giải loại thuốc gì. Người bán thuốc này cũng “quên luôn” việc lấy thông tin người mua thuốc khi có dấu hiệu ho, sốt như quy định của ngành Y tế trong mùa dịch Covid-19.
Tương tự, tại một quầy thuốc đối diện Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, khi có khách hỏi mua thuốc trị ho, sốt, người bán thuốc ở quầy không mảy may quan tâm đến các thông tin về tình trạng sức khỏe, lứa tuổi, giới tính… của người bệnh mà cứ thế lẳng lặng lấy thuốc bán.
Tại Hà Nội, ngay sau khi Bộ Y tế phát đi thông báo, loại virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại Đà Nẵng là chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, nguy hiểm hơn, lãnh đạo TP Hà Nội cũng phát đi cảnh báo: Dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao ra Hà Nội khi có khoảng 20 nghìn người dân Thủ đô vào Đà Nẵng du lịch, chưa kể các trường hợp đi vào các tỉnh lân cận khác.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, người dân có dấu hiệu ho sốt, cảm cúm vẫn tự ý mua thuốc tại cửa hàng mà không hề thực hiện khai báo y tế.
Cụ thể, tại một hiệu thuốc tư nhân trên địa bàn Hoài Đức, người mẹ dẫn theo con trai học lớp 8 đang có biểu hiện sốt, ho có đờm, tới mua thuốc. Rất chuyên nghiệp, cô nhân viên bảo cháu bé há miệng ra để soi họng và nhanh chóng ra kết luận “viêm họng cấp”. Chưa đầy vài phút, mớ thuốc gồm hạ sốt Paracetamol, kháng sinh amoxicilin, thuốc chống phù nề Alpha choay… được cất gọn trong túi bán cho người bệnh mang về.
Trong vai một người có các dấu hiệu sốt, cảm cúm, PV tìm đến hiệu thuốc trên phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, cô dược sĩ trẻ chỉ hỏi ngắn gọn triệu chứng rồi nhanh chóng bán cho vỉ thuốc Glotadol với lời dặn “thuốc này bao gồm cả trị cúm và hạ sốt nên không cần uống thêm hạ sốt nữa”.
Trước câu hỏi “Sao có quy định người có dấu hiệu cúm, sốt mua thuốc phải khai báo y tế?”, cô dược sĩ mới cho hay: “Trong đợt dịch trước, bên y tế có đưa cho cửa hàng mẫu tờ khai nhưng cũng tùy người mua có muốn cho tên hay không. Thỉnh thoảng khách nào đồng ý thì em ghi lại tên và số điện thoại thôi, nếu bên y tế hỏi thì đưa…”.
Kẽ hở lọt nguồn bệnh ra ngoài cộng đồng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định, ngay sau khi phát hiện ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, đơn vị đã có văn bản thông báo đến tất cả các quầy thuốc, hiệu thuốc tây trên địa bàn và yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, yêu cầu các hiệu thuốc thu thập và lưu thông tin người dân, khách hàng đến mua thuốc có dấu hiệu ho, sốt; Đồng thời khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu ho, sốt phải đến cơ sở y tế địa phương khai báo, khám chữa bệnh.
“Việc có hiệu thuốc tây vẫn chưa thực hiện các quy định này có thể do công văn thông báo của Sở Y tế chưa đến kịp. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu tất cả các hiệu thuốc tây trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định này, nhằm nâng cao công tác phòng chống dịch Covid-19. Bởi hiện nay, các trường hợp F1, F2 có tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 còn ở trong cộng đồng, chưa thể rà soát hết và thực hiện cách ly theo dõi”, ông Tuấn nói.
Được biết, trước diễn biến phức tạp khi xuất hiện trở lại bệnh nhân lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, ngày 25/7, Bộ Y tế một lần nữa đã ra văn bản yêu cầu siết chặt kiểm soát dịch Covid-19.
Theo đó, tất cả cơ sở bán lẻ thuốc phải có biển thông báo tại cửa ra vào đề nghị người mua đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, bảo đảm khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m giữa nhân viên với người mua, giữa người mua với nhau. Đặc biệt, cơ sở bán lẻ thuốc phải lập sổ theo dõi thông tin người mua.
Trường hợp người mua thuốc ho, sốt và người có triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần thực hiện kiểm tra thân nhiệt và hướng dẫn khai tờ khai y tế, khai thác tiền sử dịch tễ.
Nhắc lại bệnh nhân số 243 mắc Covid-19 tại Mê Linh, Vĩnh Phúc khi bị ho, sốt đã tự đi mua thuốc về uống, rồi đi lại nhiều nơi, trở thành nguồn lây khó kiểm soát, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhấn mạnh: “Trên 65% bệnh nhân mắc Covid-19 trước khi được phát hiện đều không có triệu chứng rõ ràng. Việc yêu cầu khai báo y tế đối với những người mua thuốc cảm, sốt tại các hiệu thuốc là biện pháp cần thiết, giúp sàng lọc hiệu quả và hạn chế bỏ sót người nhiễm bệnh trong cộng đồng”.
Theo ông Tuấn, quy định về kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và kết nối liên thông tại các nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở nào không tuân thủ sẽ bị xử phạt, thậm chí đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Qua đây, ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, bỏ thói quen tự ý mua thuốc để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như phòng ngừa bệnh dịch lây lan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận