Giáo dục

Phụ huynh "mừng rơi nước mắt", trường học tất bật "nổi lửa" bếp ăn bán trú

05/04/2022, 11:15

Hà Nội cho trẻ từ khối 1-6 trở lại trường từ ngày 6/4, nhiều phụ huynh "mừng rơi nước mắt"; các trường tất bật "nổi lửa" bếp ăn bán trú.

Ngày 4/4, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết định cho học sinh các khối lớp từ 1-6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp theo tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, học sinh có thể học hai buổi trên ngày và ăn bán trú, tùy theo kế hoạch của trường và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Trẻ mầm non tiếp tục ở nhà.

img

Học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6/4

Thông tin Hà Nội cho trẻ trở lại trường khiến nhiều phụ huynh "mừng rơi nước mắt". Thậm chí nhiều phụ huynh còn hóm hỉnh nói đùa rằng ngày 6/4 là “ngày giải phóng phụ huynh Thủ đô”.

Phụ huynh, học sinh háo hức

Chị Ngọc Bích, một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Hà Đông chia sẻ, nhận được tin con đi học trở lại mà mừng rơi nước mắt. Bởi đây là lần đầu tiên trong năm học, con trai của chị được đến trường.

Quãng thời gian qua, vợ chồng chị khổ sở, thậm chí chồng chị buộc phải gác lại công việc đi làm xa để thay nhau kèm con học ở nhà.

"Từ khi vào lớp 1, con chưa một ngày được đến lớp, chỉ được gặp cô và các bạn qua màn hình máy tính. Nghe tin học sinh được quay trở lại trường cả nhà đều háo hức. Con đến trường được gặp gỡ bạn bè, được cô giáo uốn nắn tận tay chắc chắn sẽ hiệu quả hơn", chị Bích hồ hởi.

Anh Minh Hải (Thanh Oai) cũng tỏ ra vô cùng phấn khởi, thấy nhẹ cả người khi không còn phải thấy cảnh bố mẹ tất bật, "mặc" hai con tự chơi, tự học với nhau.

Theo lời phụ huynh này, do ở nhà quá lâu, 2 con trai (1 bé lớp 5 tuổi, 1 bé lớp 4) của anh buồn chán, tính cách bị ảnh hưởng, trở nên cáu kỉnh, hay chành chọe nhau. Anh mong con đi học nhưng trường mãi không mở cửa.

Vợ chồng anh Hải quyết định gửi con tới lớp dạy kèm của một giáo viên. Hơn nữa, cậu em cũng sắp vào lớp 1 mà gần một năm qua phải ở nhà, trong khi anh Hải muốn con được dạy dỗ, quen dần với con chữ cho đỡ bỡ ngỡ khi vào tiểu học.

"Từ ngày được đến lớp, con vui vẻ hẳn ra, hôm nào đi học về, con cũng tíu tít kể chuyện ở lớp vui ra sao, được chơi với bạn bè, được cô dạy những gì", anh Hải kể.

Mong trẻ mầm non cũng sớm được đến trường

Dù thuận lợi hơn các gia đình khác vì có bà ở nhà trông nom hai con, một bé lớp 1, một bé mầm non, vợ chồng chị Trang (quận Ba Đình) cũng mong chờ ngày các con đến trường từ lâu.

img

Nhiều phụ huynh mong trẻ mầm non sớm được đến trường

Với chị, học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời và tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến sức khỏe tâm thần và việc học của con. Chị mong cậu con trai 4 tuổi cũng được đến trường trực tiếp từ tuần tới.

"Nhà tôi sống trong một không gian chừng 60 mét vuông ở nội thành. Bố mẹ đi làm. Hằng ngày, hai đứa trẻ chưa lên 8 và bà trông nhau, bị "nhốt" trong không gian chật hẹp, không người hướng dẫn học tập, ít giao tiếp xã hội. Hoạt động tương tác nhiều nhất của tụi nhỏ là xem ti vi, trong khi ở độ tuổi này, trẻ lại cần được giao tiếp nhất, cần được học tập nhất, cần hình thành nhiều kỹ năng nhất.

Đó là chưa kể đến những mặt trái của học online ở độ tuổi quá bé ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sinh lý, thậm chí sức khỏe của các con", chị Trang bày tỏ.

Chị Trang đề xuất, nên cho trẻ mầm non sớm đi học trở lại thay vì “nhiều gia đình phải gửi trẻ ở các lớp trông coi chui”, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Cũng với tâm lý này, anh Minh Hải mong trong tháng cuối cùng, bé học mầm non cũng được đến lớp. Anh còn mong con học 2 buổi, bán trú ở trường vì bố mẹ đi làm, khó sắp xếp đưa đón.

"Bây giờ, tôi chỉ mong thành phố quyết định cho trẻ mầm non đi học. Con tôi chưa tiêm vaccine nhưng đều đã nhiễm Covid-19 do lây từ bố mẹ và khỏi được gần 2 tháng nay. Tôi nghĩ đã đến lúc cho trẻ em đến trường, trước là để giúp trẻ cân bằng về giao tiếp, cảm xúc; sau là đảm bảo chất lượng học tập", anh Hải nói.

Trường học tất bật "nổi lửa" bếp ăn bán trú

Ông Lê Tiến Thành - Hiệu trưởng trường Tiểu học Victory cho hay, để đón học sinh đến trường từ ngày 6/4 tới được an toàn và chu đáo, nhà trường sẽ họp và phân công rõ nhiệm vụ cho từng cán bộ.

img

Theo công văn của UBND thành phố Hà Nội , các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị để xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh đi học trực tiếp

Nhà trường cũng tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, chuẩn bị tốt công tác ăn ngủ bán trú, y tế học đường, kiểm tra điện nước,... sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc vệ sinh khu nhà ăn, bếp nấu; giặt giũ lại chăn gối ngủ của học sinh,.... Về cơ bản, phải đảm bảo công tác phòng chống dịch đúng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo chống dịch và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội", ông Thành nói.

Theo khảo sát, các trường như: trường Tiểu học Khương Thượng, Trường Marie Curie, Trường THCS Thanh Xuân và Trường THCS Thanh Xuân Trung... cũng đều tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho bếp ăn bán trú mở lại.

Còn với riêng trường tiểu học Lômônôxốp, bà Nguyễn Thị Thu Mai - hiệu trưởng trường cho biết, đơn vị này quyết định thông báo lùi lịch học thêm một vài ngày để có sự chuẩn bị tốt nhất cho học sinh bao gồm việc tổ chức xe đưa đón, chọn lọc thực phẩm cho bếp ăn bán trú, vệ sinh lớp học...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.