Xã hội

Phụ huynh lơ là, trẻ dễ nghiện game online dịp hè

15/06/2015, 13:10

Từ một thú vui, sở thích, chơi game có thể biến tướng và trở thành bệnh tật, đe dọa sức khỏe, nhân cách...

51
Nghiện game online dễ gây hậu quả xấu đến sức khỏe, tính mạng, nhân cách

Từ một thú vui, sở thích, chơi game có thể biến tướng và trở thành bệnh tật, đe dọa sức khỏe, nhân cách và tính mạng người chơi. Dịp hè, khi trẻ có nhiều thời gian rảnh rỗi và nếu cha mẹ lơ là, trẻ rất dễ sa đà vào game online đến mắc nghiện.

Học kém, tâm thần vì game online

Tại Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai), chị Duyên (ở Thanh Trì, Hà Nội) ngẩn người khi được bác sỹ thông báo con bị rối loạn tâm thần. Chị Duyên kể, chỉ đến khi tiền mặt, rồi đồ đạc trong nhà tự dưng biến mất, chồng chị tìm hiểu mới biết Đ., cậu con trai 15 tuổi ăn trộm bán lấy tiền chơi game. Cũng thời điểm đó, cô giáo thông báo con chị học hành sa sút, thường xuyên trốn học. Bị bố giận, đánh mắng, Đ. liền bỏ đi ba ngày không về, khi tìm được Đ. ở quán game, cậu đã cắm nợ vài triệu.

"Nghỉ hè, thời gian nhàn rỗi, thiếu sân chơi, bố mẹ bận mưu sinh khiến nhiều học sinh nghiện game lúc nào không hay. Do đó, con nghỉ hè, phụ huynh vẫn cần theo sát, có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi phát hiện triệu trứng nghiện game ở giai đoạn đầu, phải cho con đến viện điều trị ngay”,

Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng

“Sau đó, đồ đạc và tiền bạc không chỉ của gia đình mà của nhà cô, dì, chú, bác... thường biến mất sau mỗi lần Đ. ghé chơi. Hôm trước, nó xuống tận nhà cụ nội lấy trộm tiền mừng thọ cụ, nên bố nó quyết định nhốt trong phòng để cai game. Nhốt được ba ngày, nó nói năng lảm nhảm, gọi không thưa, mở cửa không ra, không ăn cơm, không tắm giặt”, chị Duyên cho biết.

Cũng nghiện game online từ khi còn là học sinh THCS, hiện N., con trai ông Việt ở TP Nam Định không quan tâm đến gì khác ngoài việc “phá đảo”, “kiếm thế”. Theo ông Việt, hồi học THPT, N. đã mê game đến độ cứ rời lớp học là ôm máy tính, cơm đưa lên tận phòng, cậu vừa chơi vừa ăn. Thi trượt đại học, cậu không bước chân ra khỏi phòng, vùi mình vào game, không thiết cả ăn uống, tắm giặt. Căn phòng của N. lúc nào cũng đóng kín cửa, tối om vì N. sợ ánh sáng. Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà N. ngày càng xanh xao, gầy guộc, đờ đẫn. Da mặt N. sần sùi vì thức đêm, chân tay bong tróc do thiếu dưỡng chất, nói như người hụt hơi, mặt cứ cúi gằm xuống đất, mắt chỉ nhao nhác tìm máy tính. “Rồi N. đi vệ sinh cả trong phòng như một người lú lẫn, nên gia đình đành đưa cháu đi viện”, ông Việt than.

Game online “ăn mòn” nhân cách và sức khỏe

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, nghiện game có thể gây trầm cảm, tự tử, thay đổi tính cách, nói dối, hay chống đối, thích bạo lực, thích tự sát. Người nghiện game có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống, đầu óc tràn ngập hình ảnh game. Đến giai đoạn muộn sẽ xuất hiện ảo giác, rối loạn tâm thần, có thể gây tội ác nếu nghiện game bạo lực hoặc tình dục.

Đáng lo ngại, xu hướng gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game ở Việt Nam đang ở ngưỡng báo động vì hiện nay, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính nhiều. Nếu hôm nay chơi game một phút, tăng lên mỗi ngày thì một năm sau có thể chơi game 6 tiếng một ngày. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, chơi game hơn bốn giờ liền làm giảm phát triển các kỹ năng xã hội, dẫn đến trạng thái bứt rứt khó chịu, lo âu và trầm cảm. Điều này thường xảy ra với các trò chơi nhập vai trực tuyến, mà trong đó game thủ đảm nhiệm vai trò của một nhân vật hư cấu và tương tác với người chơi khác trong thế giới ảo.

Trong khi đó, các gia đình vì bận rộn, chủ quan, lơ là... thường không thực sự chú ý đến vấn đề nghiện game của con trẻ, mà lại có tâm lý “trẻ con nó thế”, “đó chỉ là trò chơi”. Đến khi, có những dấu hiệu rất cụ thể như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát, họ mới đưa con em đi điều trị.

“Việc điều trị nghiện game không mất nhiều thời gian, tiền bạc như cai rượu hay ma túy, nhưng việc phục hồi về nhân cách của người nghiện game mất rất nhiều thời gian. Bởi người nghiện game online tính cách đã thay đổi thành hay gắt gỏng, dễ bị kích động, lầm lì, dễ mất bình tĩnh, thích bạo lực...”, ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.