Trường mầm non xã Quảng Thái |
Những ngày qua, vùng quê nghèo miền biển xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) trở thành tâm điểm của dư luận vì những lùm xùm quanh câu chuyện lạm thu và hàng trăm em học sinh bỗng dưng nghỉ học tại trường mầm non Quảng Thái.
Phụ huynh đề nghị hiệu trưởng thôi việc
Để hiểu rõ hơn vấn đề, PV Báo Giao thông đã tìm về xã Quảng Thái thì được biết, hai ngày qua nhiều phụ huynh đã không cho con em theo học tại trường mầm non nữa với lý do duy nhất là “mong muốn hiệu trưởng trường mầm non Quảng Thái thôi việc".
Là phụ huynh đang có 2 con theo học tại trường, anh Lê Ngọc Lượng (thôn 6, xã Quảng Thái) chia sẻ: “Lạm thu thì đã quá rõ ràng, nhưng việc này cứ tiếp diễn nhiều năm nên giờ chúng tôi mất lòng tin vào ban giám hiệu nhà trường. Nếu hiệu trưởng chuyển công tác đi nơi khác dạy thì chúng tôi mới cho con theo học tiếp. Còn không, chúng tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc nay mai sẽ cho con theo học tại trường khác”.
Chị Lê Thị Ngọc (thôn 7) bức xúc, cho biết: “Hầu hết người dân tại địa phương đều là công nhân lao động tự do, số tiền ít ỏi kiếm được cũng chỉ đủ trang trải gia đình. Vẫn biết các con nhỏ cần được đi học như bao đứa trẻ khác. Nhưng bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải cho con nghỉ học. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã đóng nhiều khoản tiền mà không rõ chi tiêu vào mục đích gì? Có những khoản tiền xã hội hóa đóng nhiều năm với mức thu cố định. Năm nay số tiền hơn 3 triệu đồng, như nhà tôi có 2 con ăn học thì hỏi lấy đâu ra tiền mà đóng. Chúng tôi rất bức xúc vì hiệu trưởng nhà trường đưa ra các khoản gọi là thu nằm ngoài quy định”.
Cụ thể, đầu năm học 2017 – 2018 trường Mầm non xã Quảng Thái đã đưa ra 17 khoản dự thu. Ngay trong buổi họp phụ huynh, nhiều phụ huynh đã tỏ ra không hài lòng trước những khoản thu mà nhà trường đề ra nên đã viết đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương. Trong đó, nhiều khoản thu mà các bậc phụ huynh phản đối như: Ngoài khoản đóng góp mua nước uống tinh khiết (69.000 đ/học sinh/năm) còn phải đóng thêm khoản nước đun sôi (47.000 đ/học sinh/năm).
Nhiều phụ huynh bức xúc trước những khoản thu “trên trời” |
Khoản vệ sinh cũng được chia làm hai loại là vệ sinh bán trú 55.000đ và vệ sinh trường lớp 99.000đ. Tổng mức thu 2 khoản này hơn 154 nghìn đồng/học sinh/năm.
Theo quy định của HĐND tỉnh Thanh Hóa, các trường mầm non công lập tại vùng nông thôn, mức thu học phí là 80.000 đồng/tháng/đối với học sinh bán trú và 60.000 đồng/tháng/học sinh không bán trú. Thế nhưng, trong bản dự thu của trường này, tất cả học sinh đều phải đóng mức 80.000 đồng/tháng…. Theo đó, tổng mức thu đối với học sinh cũ là 3.154.000 đồng/học sinh; học sinh mới là 3.219.000 đồng/học sinh.
Sẽ kiểm tra và xử lý sai phạm
Theo ý kiến từ các phụ huynh, từ năm 2014 đến nay, hầu như năm nào đều phải đóng khoản tiền xã hội hóa giáo dục. Điều đáng nói, những khoản tiền này như được sắp xếp theo một kế hoạch với những khoản thu cố định.
Đơn cử như năm học 2016 – 2017, dự trù kinh phí chi khoản tu sửa 6 phòng học cũ là 12,5 triệu đồng, trong đó bao gồm chi tiết các khoản: 1. Xử lý bồn cầu bị tắc, thay thiết bị hỏng bệ ngồi, bồn rửa tay là 4 triệu đồng; 2. Lát lại nền gạch những viên vỡ, xử lý trần nhà bị chảy nước, các ô thoáng bị hư hỏng là 5,5 triệu đồng; 3. Thay thế sửa chữa thiết bị điện là 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong năm học mới đây 2017 – 2018, vẫn các khoản đó với việc tu sửa 13 phòng học, trường lại tiếp tục đưa dự kiến thu xã hội hóa là 30 triệu đồng. Chính vì thế, nhiều phụ huynh thắc mắc, những cơ sở vật chất đã được tu sửa từ năm trước sao lại nhanh hỏng đến như vậy? Liệu rằng số tiền thu đó có được sử dụng đúng vào việc sửa chữa hay không? Điều đáng nói, tuy đây là những khoản xã hội hóa giáo dục nhưng luôn được phía nhà trường quy định số tiền đóng góp cụ thể là 270 ngàn đồng/1 học sinh.
Vận động xã hội hóa các khoản thu theo kiểu... áp đặt từng khoản |
Trước tình trạng lạm thu diễn ra suốt nhiều năm, nhiều lần phụ huynh học sinh đã kiến nghị trong các cuộc họp phụ huynh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ phía nhà trường là đã có họp bàn với đại diện hội cha mẹ học sinh (CMHS).
Về vấn đề này, nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc vì bao năm nay mọi người đều không biết đến đại diện hội cha mẹ học sinh là ai, thậm chí chưa từng gặp mặt lấy một lần. “Mỗi lần đi họp phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường thường có những thông báo cụ thể và người ký xác nhận không ai khác là đại diện cha mẹ học sinh. Nhưng mấy năm nay, tôi không hề hay biết đại diện cha mẹ học sinh là ai và chưa bao giờ gặp. Thậm chí, như hội nghị diễn ra hôm vừa rồi ngày 19/9, khi phát hiện tiêu cực nhưng không hề thấy bóng dáng trưởng ban cha mẹ học sinh đứng lên phát biểu, cho ý kiến”, một phụ huynh chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Phú Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết: “Trước vụ việc trên, UBND xã đã làm việc với nhà trường và báo cáo huyện để có phương hướng giải quyết cụ thể. Hai ngày qua, các cháu bỗng dưng nghỉ học với số lượng đông nên sáng ngày 27/9, chúng tôi cũng đã họp hội nghị tại địa phương để phổ biến đến từng đơn vị ở thôn, xã. Việc làm này của các bậc phụ huynh là không tốt vì ảnh hưởng đến chính quyền lợi học tập của các cháu. Chúng tôi đang tích cực vận động, tuyên truyền các bậc phụ huynh đưa các cháu đến học bình thường. Còn cụ thể vụ việc thế nào sẽ được triển khai giải quyết đúng quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Huy Nam - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quảng Xương cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và có hình thức xử lý cụ thể. Nếu sai sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Về việc thu tại trường mầm non Quảng Thái, thì đây mới chỉ là bản dự thu, nên chưa thể gọi là lạm thu. Tuy nhiên, trong bản dự thu này có nhiều khoản nằm ngoài quy định, vì vậy sẽ phải chấn chỉnh lại cho đúng quy định rồi mới tiến hành thu”.
Được biết, ngày 21/9, sau khi xem xét các danh mục dự kiến các khoản thu đầu năm của trường, biên bản họp phụ huynh các lớp, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quảng Xương đã có kết luận về việc kiểm tra xác minh dự kiến các khoản thu. Cụ thể kết quả xác minh cho thấy, nhà trường đã dự kiến một số khoản thu chưa đúng quy định như: thu tiền hồ sơ, ảnh nề nếp, thẻ đón trả trẻ, quỹ lớp, trang trí lớp; các khoản nước uống còn chồng chéo. Đối với các khoản thu xã hội hóa, nhà trường chưa lập dự toán chi tiết...
Qua đó, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quảng Xương yêu cầu ban giám hiệu nhà trường cần báo cáo cụ thể để xin ý kiến chỉ đạo của địa phương. Yêu cầu hiệu trưởng nhà trường không được thu các khoản trái với quy định, kiểm tra và rà soát các khoản thu chồng chéo. Về các khoản thu phục vụ học sinh cần làm đúng trình tự và quy định, phải có báo cáo kế hoạch cụ thể với địa phương quản lý...
Đặc biệt, cần tổ chức ngay hội nghị toàn thể CBGV nhà trường, kiểm điểm nghiêm túc những cá nhân để xảy ra sai phạm. Riêng hiệu trưởng nhà trường viết bản kiểm điểm cá nhân gửi phòng Giáo dục và đào tạo huyện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận