Hai thai phụ đầu tiên tại Việt Nam mắc Covid-19 trong quá trình mang thai, hiện đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Việc vừa phải điều trị Covid-19, vừa giữ thai đặt ra khá nhiều áp lực cho chính bệnh nhân và đội ngũ y bác sỹ.
Lên phương án chăm sóc thai phụ mắc Covid-19
Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, hiện có 2 thai phụ mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Đó là bệnh nhân (BN) 495 (30 tuổi) điều trị tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đà Nẵng, mang thai 11 tuần và BN 569 (37 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) mang thai ở tuần thứ 35.
Để đảm bảo việc chăm sóc, theo dõi và xử trí hiệu quả đối với các trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Đà Nẵng xây dựng phương án chăm sóc, điều trị đảm bảo tuân thủ đầy đủ Quyết định số 1271 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do Covid-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh cũng như các quy định khác về phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trong việc chăm sóc thai nghén, xử trí đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngoài ra, sẵn sàng cho cả hai tình huống đẻ thường và đẻ mổ cũng như xử trí các tai biến, bất thường xảy ra trong quá trình theo dõi, điều trị.
Nhận định về đường lây nhiễm, các chuyên gia cho rằng, chưa có cơ sở khoa học khẳng định thai nhi có khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 qua bánh rau trong quá trình mang thai. Những nghiên cứu của tác giả Chen và cộng sự công bố đầu năm 2020 cho thấy, khi xét nghiệm nước ối, máu cuống rốn, rau thai, dịch âm đạo và sữa mẹ của phụ nữ nhiễm Covid-19 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2; kết quả xét nghiệm dịch họng của trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm Covid-19 cũng cho kết quả âm tính với virus này.
Theo PGS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chưa có bằng cứ khoa học để chứng minh virus có thể lây từ mẹ sang con nhưng theo quy luật chung, khi nhiễm một bệnh lý nhiễm trùng do bất kỳ nguyên nhân gì thì những ảnh hưởng đến thai thông thường ở những giai đoạn rất sớm, trong những tuần đầu, 3 tháng đầu. Những ảnh hưởng đó là hậu quả chứ không phải trực tiếp.
Ông Cường cũng cảnh báo, đặc thù của SARS-CoV-2 là gây ra viêm phổi rất nặng. Đặc biệt đối với phụ nữ có thai thì hệ miễn dịch giảm, trong khi viêm phổi sẽ dẫn đến suy hô hấp, thiếu ô-xy. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai như thai chết lưu vì thiếu ô-xy. Hoặc thiếu ô-xy có thể gây ra gián đoạn sự phát triển của thai kỳ khiến dị dạng chứ không phải trực tiếp do virus này.
Điều trị cho sản phụ mắc Covid-19 ra sao?
Theo ông Cường, các phương pháp điều trị hiện có dành cho những thai phụ bị nhiễm Covid-19 đều nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của người mẹ. Với những bệnh nhân này phải điều trị Covid-19 và giữ thai. Sau khi điều trị khỏi Covid-19 sẽ tiếp tục sàng lọc thai nhi giống những trường hợp thai nghén bình thường. 12 tuần làm xét nghiệm, siêu âm, thăm dò để sàng lọc xem thai nhi có bất thường gì không…
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 gây dị tật thai nhi nếu thai phụ bị nhiễm virus này trong giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Một số báo cáo khi thực hiện mổ sinh ở những thai phụ mắc Covid-19, các em bé sinh ra được thực hiện xét nghiệm dịch họng, lấy máu cuốn rốn... thì không thấy sự hiện diện SARS-CoV-2. Một vài em bé bị nhiễm Covid-19 được chứng minh nhiễm sau sinh. Do đó, việc thực hiện da kề da ngay sau sinh, kẹp cắt rốn chậm... cần cân nhắc kỹ và không nên thực hiện.
BS. Nguyễn Hữu Trung, Khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên điều trị Covid-19 trước cho sản phụ, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu hoặc khi tình trạng mẹ nặng cần hội chẩn các chuyên khoa liên quan.
Thai phụ nhiễm Covid-19 nếu không có triệu chứng lâm sàng hoặc có nhưng ở thể nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ), được điều trị theo hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, chỉ can thiệp khi đau bụng, ra máu âm đạo, vỡ ối.
Còn với thai phụ nhiễm Covid-19 thể nặng như: Viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng huyết hay sốc nhiễm trùng… vẫn điều trị Covid-19 theo hướng dẫn, hội chẩn trên từng ca bệnh với các chuyên khoa truyền nhiễm, hồi sức, sơ sinh; thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X quang, CT Scan ngực như với người không mang thai, với lưu ý sử dụng các phương tiện bảo vệ thai nhi.
Thai phụ nhiễm Covid-19 (kể cả đã khỏi) cần được quản lý thai 2 - 4 tuần/lần nhằm phát hiện sớm những trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung…
Theo các chuyên gia y tế, trong giai đoạn dịch đang bùng phát, để tự bảo vệ mình và thai nhi, các thai phụ nên hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết. Nếu buộc phải ra đường hoặc nơi công cộng, cần đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.
Đồng thời, thai phụ cần duy trì khám thai định kỳ. Khi đến khám, thai phụ nên bảo vệ cơ thể bằng các biện pháp phòng dịch. Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi… hoặc biểu hiện khác thường, thai phụ cần báo với bác sĩ theo dõi và đến các cơ sở y tế gần nhất kiểm tra để có hướng xử trí kịp thời.
Trong đợt đỉnh dịch tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận ca sản phụ sinh con trong thời gian nhiễm Covid-19 ở TP Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Thời điểm nhiễm bệnh, người mẹ đang mang thai 38 tuần. Các bác sĩ đã quyết định mổ bắt thai nhi để bảo vệ sức khỏe cho cả hai mẹ con. Bé gái được sinh mổ khỏe mạnh, nặng hơn 3kg và được cách ly ngay sau sinh. Các bác sĩ sau đó xét nghiệm virus Corona chủng mới đối với bé gái, kết quả hai lần đều âm tính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận