Ngày 27/4, Công an TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho hay, hiện đơn vị đang tiến hành triệu tập, lấy lời khai của những người có liên quan tới vụ hỗn chiến giữa một bên được cho là đội bảo vệ của công ty khai thác cảng biển quốc tế An Thới với người dân buôn bán, kinh doanh tại đây.
Cảng biển An Thới. Ảnh: Báo Đầu Tư
Trước đó, công an đã tạm giữ một số đối tượng gây thương tích bên phía Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste.
Theo thông tin ban đầu, vào chiều tối 26/4, có khoảng 300 người dân tập trung trước cảng biển quốc tế An Thới (do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty CP Cảng Sài Gòn tiếp nhận khai thác sau khi trúng đấu giá kể từ ngày 19/4) để phản đối chính sách cho thuê của bên khai thác cảng.
Nhiều người dân tại cảng An Thới phản ánh, những hộ kinh doanh tại cảng trước đây được thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Nhưng khi liên danh 2 công ty nói trên tiếp quản đã nâng giá cho thuê lên tới 60 triệu đồng/tháng và phải đóng trước 3 tháng là 180 triệu đồng.
Ngoài ra, bên khai thác cảng quy định xuồng đưa rước khách tại cảng phải nộp 2,5 triệu đồng/tháng; ca nô từ 5-7 triệu đồng/tháng; khách du lịch xuống cảng 35.000 đồng/lượt (trước đây không thu phí). Thậm chí, khi ra vào khu vực cảng, người dân địa phương đều phải nộp phí.
Bảo vệ và người dân địa phương đánh nhau (Ảnh cắt từ clip)
Không đồng ý với các điều khoản của bên khai thác, hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ tại cảng An Thới đã kéo tới nhà điều hành để phản đối nên bị lực lượng bảo vệ cảng trang bị nhiều loại công cụ hỗ trợ hành hung.
Hậu quả của cuộc xô xát làm khoảng 10 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng được chuyển đến Trung tâm Y tế TP Phú Quốc cấp cứu. Trong số này có 1 người bị thương nặng phải chuyển lên tuyến trên vì bị xuất huyết não.
Cảng An Thới được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại Phú Quốc do Nhà nước đầu tư tổng kinh phí khoảng 128 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện hạ tầng thêm khoảng 158 tỷ đồng.. Dự án hoàn thành năm 2012 với công suất thiết kế 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm.
Đây là cảng đầu mối và là cảng duy nhất tại Phú Quốc có thể tiếp nhận tàu biển có tải trọng đến 3.000DWT và khu bến chuyển tải (bến phao) cho tàu 30.000DWT.
Sau thời gian dài đấu giá cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Namaste và Công ty CP Cảng Sài Gòn đã trúng đấu giá cho thuê quyền khai thác với trị giá gần 952 tỷ đồng, gấp 5,5 lần giá khởi điểm.
Thời hạn thuê từ cuối năm 2022 tới hết năm 2063. Danh mục tài sản cho thuê cảng gồm 17 loại, trong đó có bến 3.000WT, đường nội bộ cảng, sân ga, bãi đỗ nhà xe, bãi chứa hàng, nhà ga, kho hàng hóa, xưởng cơ khí, bến truyền tải, nhà thường trực…
>>> Clip hỗn chiến giữa bảo vệ cảng An Thới và người dân:
Trên thực tế, việc khai thác cảng An Thới rất khó phát huy hiệu quả bởi đường vào cảng hẹp, lại vướng khu chợ dân sinh nên tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên.
Hoạt động chính của cảng chỉ có vài chục chiếc ca nô chở du khách tham quan và một số tàu cá, tàu kiểm ngư thường xuyên neo đậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận