Quản lý

Phủ sóng dịch vụ thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat quốc tế trên biển Đông

07/12/2016, 07:05

Hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat của Việt Nam đã hỗ trợ đắc lực trong hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc tế.

6

Kỹ thuật viên của RCC/SPOCs tham gia khóa đào tạo kỹ thuật và khai thác nghiệp vụ Cospas-Sarsat tại Vishipel

Mở dịch vụ thông tin hướng ra biển Đông

Thành lập năm 2002 và đến năm 2008, Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam (VNLUT/MCC) thuộc Hệ thống TTDH Việt Nam (Hệ thống TTDH) đã chính thức hòa mạng Cospas-Sarsat MCC toàn cầu, là đại diện được chỉ định của Việt Nam đảm trách việc phân phối dữ liệu Cospas-Sarsat trực tiếp tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, Campuchia, Lào. Đồng thời, gián tiếp thông qua MCC chủ của Nhật Bản tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn khác trên toàn thế giới.

VNLUT/MCC được thành lập với tư cách là nhà cung cấp thành phần mặt đất của tổ chức Cospas-Sarsat, tiếp nhận và xử lý thông tin báo động cấp cứu từ các phương tiện bị nạn trên biển, trên không và đất liền thông qua hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat. VNLUT/MCC gồm một trạm thu tín hiệu vệ tinh (VNLUT) và một trung tâm điều hành thông tin vệ tinh (VNMCC), được đặt tại Hải Phòng và do Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) quản lý và khai thác.

Chức năng, nhiệm vụ chính của VNLUT/MCC là phát hiện, thu nhận, xử lý và phân phối các dữ liệu báo động cấp cứu được phát đi từ các phao Cospas-Sarsat 406 MHz trực tiếp tới các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn/các đầu mối phối hợp tìm kiếm cứu nạn (RCCs/SPOCs) trong nước và quốc tế để phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2009, Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ (MOU) và Thỏa thuận thư (LOA) với Campuchia và Lào về việc phối hợp tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động cấp cứu Cospas-Sarsat. Trên cơ sở đó, VNMCC chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động cấp cứu Cospas-Sarsat tới các SPOC của Lào và Campuchia. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả trong việc tiếp nhận, xử lý và phân phối dữ liệu báo động Cospas-Sarsat phục vụ mục đích tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện, cá nhân sử dụng phao Cospas-Sarsat trên biển, trên không và đất liền.

Ông Phan Ngọc Quang, Tổng giám đốc Vishipel cho biết, tại kỳ họp Hội đồng Cospas-Sarsat lần thứ 55 (CSC-55) vào ngày 9/12/2015 diễn ra tại Canada, hệ thống đã thực hiện thành công việc hòa mạng cho MCC mới (OCC600) và được tổ chức Cospas-Sarsat công nhận trạng thái hoạt động với năng lực khai thác đầy đủ (FOC).

Hàng trăm trường hợp bị nạn trên biển được cứu

Trong căn phòng của Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam đặt tại số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Minh Khai, Hải Phòng có một tấm bản đồ được treo trang trọng. Trên tấm bản đồ đánh dấu vùng tìm kiếm cứu nạn trên biển Đông và đất liền, bao phủ cả lãnh thổ của Lào và lãnh thổ, lãnh hải của Campuchia.

Anh Trịnh Văn Thành, Tổ trưởng Tổ Khai thác, Đài Thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam cho biết, hệ thống này ngoài việc hỗ trợ cho các tàu thuyền hoạt động trên biển, còn có thể hỗ trợ cứu nạn cho các phương tiện trên không và con người trên đất liền. “Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu sẽ được trang bị cho các tàu thuyền, máy bay, cũng như thành viên tổ bay bằng cách tích hợp vào áo phao cứu nạn hoặc ghế ngồi... Khi nạn nhân gặp nạn trên biển hay ở đất liền, thiết bị sẽ được kích hoạt nhân công hoặc tự động phát tín hiệu lên vệ tinh và Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam sẽ lập tức tiếp nhận, xử lý và thông báo cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cũng như phương tiện gần vị trí bị nạn nhất để ứng cứu”, anh Thành nói và cho biết thêm, các thiết bị này rất nhỏ gọn và phát tín hiệu chuẩn xác.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Công ty VISHIPEL và các cơ quan liên quan của Lào và Campuchia, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tổ chức Cospas-Sarsat, VISHIPEL cũng tổ chức thành công các khóa đào tạo các kiến thức về khai thác, kỹ thuật của hệ thống Cospas-Sarsat cho các nhân viên của SPOC (Campuchia và Lào) tại Việt Nam và tại các nước bạn. Bên cạnh đó, VISHIPEL  sẽ hỗ trợ Lào, Campuchia tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các chủ phao Cospas-Sarsat các kiến thức về hệ thống và các lợi ích, sự cần thiết của việc đăng ký dữ liệu phao Cospas-Sarsat...

Trong năm 2016, hệ thống đã xử lý, tiếp nhận hàng trăm trường hợp báo cấp cứu. Trong đó, phải kể đến trường hợp tàu Đông Thiên Phú Silver, quốc tịch Việt Nam bị chìm khi đang hành trình vào cảng Myanmar. Ngày 25/1/2016, Đài Thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam thu nhận được tín hiệu báo nạn từ phao EPIRB 406 MHz của tàu Đông Thiên Phú Silver, tại vị trí 16-12.48N - 96-19.14E, thuộc vùng biển Myanmar. Thông tin này ngay lập tức được Hệ thống TTDH chuyển tiếp đến các đơn vị tìm kiếm cứu nạn và liên lạc với tàu và chủ tàu để thu thập thông tin về tình trạng của tàu bị nạn. Ngoài ra, Hệ thống TTDH đã chuyển thông tin về tàu bị nạn tới cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Myanmar để phối hợp xử lý.

Đại diện Công ty CP Đông Thiên Phú Miền Nam cho biết, từ sáng 25/1, tàu Đông Thiên Phú Silver đã hành trình vào cảng Myanmar. Đến tối cùng ngày, Hệ thống TTDH xác định được tàu Đông Thiên Phú Silver đã chìm, nguyên nhân do tàu bị rơi neo khi đang neo đậu để lấy hàng ngoài khơi khu vực cảng Rangun, Myanmar do nước chảy mạnh và va chạm với tàu chở dầu nước ngoài neo đậu cùng khu vực. Qua trao đổi với cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Myanmar, Hệ thống TTDH nhận được thông tin, đến 19h cùng ngày, toàn bộ 14 thuyền viên của tàu đã được Hải quân Myanmar cứu và đưa về bờ an toàn.

Đây là một trong nhiều vụ phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc tế mà Hệ thống TTDH đã từng tiếp nhận và xử lý. Trong đó, việc các phương tiện bị nạn sử dụng các trang thiết bị thông tin, đặc biệt là thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ các đơn vị tìm kiếm cứu nạn quốc tế xác định vị trí bị nạn, hỗ trợ hoạt động cứu nạn nhanh chóng và kịp thời cho dù phương tiện đó hoạt động ở vùng biển nào, trên không hay đất liền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.