Tàu hút cát trái phép bị người dân khu 4, xã Vĩnh Phú bắt giữ |
Nhiều năm nay, dù không được cấp phép, các tàu khai thác cát vẫn ngang nhiên hút cát ngày đêm trên sông Lô, đoạn chảy qua địa phận khu 4 xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Bức xúc vì sự việc không được giải quyết, người dân đã tự góp tiền mua thuyền quyết chiến với cát tặc để giữ đất.
Mua thuyền cùng nhau đuổi cát tặc
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, trưa 30/11, trên sông Lô đoạn qua khu 4, xã Vĩnh Phú, có gần chục tàu hút cát khác đang đua nhau cày xới lòng sông. Tại bờ kè phía ngoài bãi đã xuất hiện vết nứt dài gần chục mét, phía trong vùng đất trồng ngô nhiều điểm bị nứt, sụt lún sâu hàng chục cm.
Ông Đặng Toàn Thắng, Trưởng khu 4 cho biết, phía bên kia bờ sông Lô đối diện với khu 4, xã Vĩnh Phú là địa phận tỉnh Vĩnh Phúc, được cấp phép khai thác cát tại lòng sông của tỉnh này. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các tàu hút cát đã cố tình lấn sang lòng sông thuộc địa phận khu 4 để khai thác gây sụt lún đất nông nghiệp trồng ngô của người dân. Từ ngày 26-28/11, người dân khu 4 nhiều lần đưa máy đo ra điểm mốc số 3 đo vị trí các tàu hút cát đang đua nhau nạo vét lòng sông và phát hiện 2 chiếc cẩu số 3,4 khai thác cát trái phép tại địa phận lòng sông của khu, chiều dài lấn tới 60-70m.
Cho tới 8h sáng 28/11, do không thể chấp nhận được tình trạng khai thác cát tiếp diễn, người dân đã lên kế hoạch bằng mọi cách đưa được tàu cát tặc vào bờ cọc giữ. “Gần 40 người dân bỏ dở công việc gia đình, cùng nhau lên thuyền mặc sự chống trả bằng vòi nước, dùng vũ khí như dao, kiếm để đe dọa của những người trên tàu. Chúng tôi tiếp cận tàu thành công, khống chế và yêu cầu lái tàu vào bờ, cọc giữ lại. Đồng thời, báo chính quyền địa phương xuống giải quyết”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, tình trạng tàu khai thác cát trái phép hoạt động trên địa bàn diễn ra nhiều năm nay. Trước đây, người dân còn mua tre, nứa kết thành bè mảng rồi sử dụng cả những thuyền chống ngập bằng tôn để chèo ra yêu cầu các tàu hút cát rời khỏi lòng sông thuộc địa phận khu 4. Nhưng bè yếu, thuyền nhỏ, bị các tàu lớn chạy qua chèn ép khiến các thuyền này bị đắm. Người dân lại góp tiền mua bằng được chiếc thuyền chắc chắn hơn, có sức chứa lớn hơn, cắt cử người trông coi các tàu hút cát để phát hiện sai phạm sẽ dùng thuyền ra nhắc nhở, xua đuổi.
Chính quyền bó tay?
Ông Thắng cho biết, chi phí bỏ ra mua thuyền đò dao động từ 60-100 triệu đồng, tính cả số tiền tu sửa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đã 2 lần thuyền của người dân bị đánh cắp. Sau đó, người dân lại tiếp tục đóng góp, mỗi nhà vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng để tìm mua thuyền khác thay thế.
Cũng theo ông Thắng, lý do người dân phải cùng nhau đứng lên bảo vệ đất trồng khỏi bị cát tặc xâm hại bởi tình trạng khai thác cát trái phép đã xảy ra nhiều năm nay. Mặc dù đã nhiều lần báo với chính quyền địa phương, làm đơn kiến nghị nhưng đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì.
Ngày 28/2/2017, trong một lần “hỗn chiến trên sông” giữa người dân khu 4 và các tàu hút cát, 17 người dân địa phương đã bị thương. “Lần đó, người dân còn kéo nhau lên UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo tỉnh có hướng giải quyết. Nhưng đến giờ, tình trạng này vẫn tiếp diễn”, ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch xã Vĩnh Phú cho biết. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú cho biết, việc người dân khu 4 của xã ẩu đả với các tàu hút cát trên sông Lô xảy ra nhiều lần và chính quyền địa phương cũng đã nắm được.
Ngày 28/11, sau khi nhận được tin báo của người dân, lãnh đạo xã cùng lực lượng công an đã khẩn trương có mặt tuyên truyền, vận động người dân không manh động, đánh người trên tàu hay phá tàu bị bắt giữ. Đồng thời, báo với cơ quan cấp huyện để có hướng xử lý.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thắng, việc người dân mua thuyền để xua đuổi các tàu hút cát, bắt giữ các tàu này là tự phát, chính quyền không biết. “Chính quyền xã cũng đã thay mặt người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên huyện, tỉnh và trong các cuộc họp cũng đã báo cáo tình trạng này nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào từ cấp trên”, ông Thắng tiếp tục cho hay.
Ông Lưu Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh cho biết, lãnh đạo huyện đã nắm được sự việc và xác nhận tình trạng người dân đứng lên chủ động bảo vệ bờ kè, bảo vệ đất khỏi sự xâm hại của những tàu khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm nay. “Khi người dân bắt giữ các tàu cát, nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo Công an huyện xuống phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết sự việc. Đồng thời, báo cáo lên UBND tỉnh, Công an tỉnh, các sở ngành liên quan để có phương hướng xử lý nhưng chưa triệt để”, ông Huy cho hay.
Cũng theo ông Huy, đoạn sông mà các tàu khai thác cát là vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Do đó, muốn giải quyết dứt điểm phải có sự phối hợp giữa 2 tỉnh và thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp cao hơn. “Chứ huyện cũng không biết làm thế nào ngoài việc cố gắng bảo vệ không cho các tàu hút cát lấn sang địa phận của địa phương”, ông Huy nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận