Y tế

Phun khử khuẩn trên đường vừa lãng phí, vừa ô nhiễm

02/08/2021, 08:00

Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương dừng việc phun khử khuẩn ngoài đường phố vì không cần thiết.

Theo chuyên gia dịch tễ, việc phun hóa chất khử khuẩn trên khắp đường phố nhằm diệt virus SARS-CoV-2, phòng Covid-19 là không cần thiết, có thể gây hại cho sức khỏe con người.

img

Phun hóa chất khử khuẩn trên đường phố tại TP Hải Phòng khi người dân vẫn đang tham gia giao thông

“Virus không ở trên đường, trên cây”

Cách đây ít ngày, Hà Nội phối hợp Binh chủng Hóa học đã tiến hành phun hóa chất Cloramin-B để tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ địa bàn để phòng dịch Covid-19 khi liên tục phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

Thậm chí, việc phun hóa chất này diễn ra ngay cả khi vẫn còn nhiều phương tiện lưu thông trên đường phố.

Tương tự, tại nhiều địa phương có ca mắc Covid-19, hoạt động trên cũng diễn ra phổ biến.

Câu hỏi đặt ra liệu việc phun hóa chất khử khuẩn có tác dụng trong việc phòng Covid-19 hay không?

Về vấn đề này, PGS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phân tích: “Cần hiểu rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tồn tại chủ yếu trong đường hô hấp của người bệnh.

Virus được thoát ra khi ho, khạc, nói chuyện, hắt hơi chứ không tồn tại trong không khí ngoài đường phố. Vậy việc mang cả máy, cả xe cơ giới đi phun không có tác dụng gì”.

Theo ông Nga, thông thường ngành y tế chỉ phun hóa chất diệt côn trùng để diệt muỗi trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết.

Còn hóa chất diệt khuẩn chỉ dùng để sát trùng bề mặt trong một diện hẹp như: Sàn bệnh viện, phòng bệnh nhân, bàn phẫu thuật, vô trùng dụng cụ y khoa... chứ không đem phun khắp nơi như hiện nay.

“Hóa chất diệt khuẩn là hóa chất độc hại cho sức khỏe, vì vậy không được phun tràn lan.

Có nhiều người, đặc biệt là trẻ em, người già, người bị dị ứng có thể bị tổn thương, thậm chí lên cơn co thắt cơ quan hô hấp và tử vong.

Bên cạnh đó, hóa chất làm ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí và nó tồn tại lâu dài trong môi trường.

Một số hóa chất chứa clo có thể tương tác với các chất hữu cơ trong đất, nước tạo thành chất gây ung thư…”, ông Nga phân tích.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng các sự kiện khẩn cấp, Bộ Y tế cho rằng, việc phun hóa chất ngoài đường, công viên… như một số nơi đang làm không có tác dụng gì.

Bởi vì virus không ở ngoài đường, không ở trên cây. Ngoài ra, người dân cũng không ai sờ lên lá cây, sờ lên mặt đường để lo virus bám trên mặt đường.

“Cần tránh việc lạm dụng phun hóa chất”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, virus lây theo hình thức giọt bắn và không khí trong môi trường kín, lây theo đường hô hấp qua tiếp xúc người với người khi đứng gần; virus bám ở các bề mặt vật dụng do người nhiễm virus thở ra, ho, hắt hơi bắn vào…, sẽ dễ nhiễm khi ai đó sờ lên như mặt bàn, tay nắm cửa, điện thoại… sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

Do vậy, nguyên tắc cơ bản vẫn là lau chùi bề mặt, các dụng cụ xung quanh. Và chỉ trong trường hợp không thể lau được vì quá rộng, chỉ phun như trong khu vực sảnh chờ sân bay, nơi công cộng, trường học, sảnh chung cư, khử khuẩn phương tiện vận tải…

Việc phun diện rộng vừa không khoa học, lãng phí hóa chất, vừa ô nhiễm môi trường.

Yêu cầu dừng phun khử khuẩn diện rộng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.BS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, khẳng định: “Bộ Y tế không hướng dẫn phun khử khuẩn ngoài đường phố để phòng chống dịch Covid-19!”.

Trước đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế có “Hướng dẫn khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng”.

Theo đó, việc khử trùng và xử lý môi trường phải được thực hiện sớm sau khi phát hiện có ca bệnh nhân Covid-19 đầu tiên; Phải làm sạch bề mặt, đồ dùng, vật dụng trước khi tiến hành khử trùng.

Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh lây nhiễm chéo cho những người tham gia khử trùng và xử lý môi trường.

Tại khu vực trong nhà /phòng ở / căn hộ của bệnh nhân Covid-19 và trong nhà các phòng ở/căn hộ liền kề xung quanh gia đình để làm sạch và khử trùng cần lau các bề mặt thường xuyên tiếp xúc (bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, vòi nước, kệ/tủ bếp, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào…). Cần lau sạch trước khi lau khử trùng…

Việc phun khử trùng được thực hiện tại các vị trí như: Nơi ở của người bệnh là nhà riêng, nhà chung cư, tập thể, kí túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung…; các khu vực sử dụng chung gồm: Hành lang, lối đi chung cùng tầng hoặc cùng dãy với phòng ở/căn hộ của bệnh nhân.

Cầu thang bộ, thang máy, sảnh chờ của tòa nhà.

Các khu vực sử dụng chung khác của tòa nhà; vỉa hè, đường đi, lối đi chung của nhà bệnh nhân với các nhà liền kề xung quanh và các khu vực công cộng tiếp giáp với nhà bệnh nhân như sân chơi, khu tập thể dục thể thao ngoài trời…

Hướng dẫn cũng nêu rõ, sau khi phun các khu vực sử dụng chung, yêu cầu cư dân/người lưu trú không đi lại trong vòng 30 phút để đảm bảo hiệu quả khử trùng.

“Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ ra hướng dẫn cụ thể với các địa phương trên cơ bản giữ nguyên heo hướng dẫn cũ về khử khuẩn, phòng chống dịch Covid-19; đồng thời khuyến cáo các địa phương dừng việc phun khử khuẩn ngoài đường phố, vì không cần thiết”, bà Hương cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở các khu vực ngoài trời, việc phun khử trùng quy mô lớn đường phố, chợ ngoài trời để diệt virus gây bệnh Covid-19 hay các tác nhân gây bệnh khác là không được khuyến cáo. Đường phố và vỉa hè không được xem như đường lây truyền của Covid-19.

Việc phun chất diệt khuẩn, ngay cả khi thực hiện ngoài trời, có thể gây hại cho sức khỏe con người và gây kích ứng hoặc tổn thương mắt, đường hô hấp, gây co thắt phế quản do hít phải hóa chất và có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa như buồn nôn và nôn hoặc kích ứng lên da…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.