Tài chính

Phương án xử lý Oceanbank, Đông Á… đã có trên bàn lãnh đạo Chính phủ

15/10/2019, 18:19

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, phương án xử lý một số ngân hàng yếu kém như Oceanbank, Đông Á… đã có trên bàn lãnh đạo Chính phủ.

img
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: TC

Đề án phê duyệt hay mà làm không nổi thì không ổn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 15/10.

Sau khi nghe Ngân hàng Nhà nước báo cáo sơ kết 2 hai năm thực hiện xử lý nợ xấu theo quy định mới và nghe ý kiến phát biểu của các ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu định hướng của Chính phủ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Bảo hiểm tiền gửi chưa có vai trò gì

"Ngân hàng Nhà nước phải chủ động rà soát tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng. Luật Bảo hiểm tiền gửi có lẽ cũng phải sửa. Bảo hiểm tiền gửi tham gia vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu hình như không có vai trò gì. Mà tổng tài sản lớn, mấy chục ngàn tỷ đồng, có anh ngân hàng nào phá sản đâu mà phải chi gì. Với tính chất là ngân hàng bắc cầu, theo như kinh nghiệm quốc tế thì chúng ta chưa làm được trong khi nắm giữ nguồn lực rất lớn. Chưa sử dụng được công cụ này. Tôi cũng muốn sửa cái này” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, mục tiêu số 1 là phải ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các cú va đập, cú sốc bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế.

Ông Huệ cho rằng ngành ngân hàng cần đặt mục tiêu Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong tổng thể chiến lược của ngành đến năm 2025-2030. Mặt khác, phải thực hiện kiên trì theo nguyên tắc thị trường và có chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa các bên.

Đặc biệt ngành ngân hàng phải tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật. Những trường hợp nào đặc biệt, cần thiết phát sinh thì phải chủ động báo cáo để có cơ chế thí điểm xử lý hoặc là có chính sách đặc thù.

Nhấn mạnh các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu Phó Thủ tướng nói: “Đề án phê duyệt hay đến mấy mà làm không nổi, hoặc không làm thì cũng không ổn. Như từ 2012 đến 2018, tự các tổ chức tín dụng đã xử lý được 65% nợ xấu, chính xác là 629.000 tỉ đồng trên 968.000 tỉ đồng. Nên phải tiếp tục quá trình này”.

Phương án xử lý Oceanbank, Đông Á… đã có trên bàn lãnh đạo Chính phủ

Ông Huệ cũng nhấn mạnh, xử lý nợ xấu không phải là việc riêng của hệ thống ngân hàng. “Nếu Quốc hội và Chính phủ không vào cuộc, không có sự quan tâm của các bộ, ngành, của Viện kiểm sát, tòa án, địa phương thì ngân hàng có "ba đầu sáu tay" cũng ko xử lý được. Công tác xử lý nợ xấu là của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương”, ông Huệ nói.

Sau NCB, SCB, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng chủ động và phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện phương án xử lý các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng Đông Á; đồng thời kiểm soát chặt chẽ một số tổ chức tín dụng còn yếu kém.

“Đồng chí Thống đốc báo cáo Trung ương bán ngân hàng yếu kém không dễ vì khó tìm được nhà đầu tư, người ta phải nghiên cứu khảo sát, tham khảo giá, chi phí như thế nào… Và việc này chưa có tiền lệ dù luật pháp quy định rồi. Làm sao đảm bảo lợi ích tối đa của nhà nước, theo quy định của pháp luật. Hiện nay, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém như Oceanbank, Đông Á đã có trên bàn lãnh đạo Chính phủ cả rồi nhưng đề án phải được báo cáo Bộ chính trị. Đây là việc đại sự, liên quan đến cả hệ thống. Triển vọng là có kết quả tốt. Nếu là ngân hàng của tư nhân thì người ta muốn bán cho ai, bán giá nào thì bán, nhưng ngân hàng Nhà nước thì phải theo pháp luật, phải công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích và đảm bảo an toàn hệ thống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xử lý Thanh tra nếu "bao che" ngân hàng vi phạm

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng và có cơ chế cảnh báo sớm. “Sáu tháng 1 lần phải báo cáo kết quả thanh tra, giám sát lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Không thể nào thanh tra kiểm tra như cái hộp đen như lâu nay được. Nếu như có những sai phạm mà Thanh tra không cảnh báo sớm thì phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo ông Huệ, từ trước đến nay Cơ quan thanh tra không báo cáo gì cho Chính phủ. "Phải có chế độ báo cáo. Nếu Thanh tra không xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm thì Thanh tra sẽ bị xử lý. Phải làm thật nghiêm để không phát sinh nợ xấu mới. Anh xử lý được 1 đồng mà phát sinh ra 2 đồng thì chả bao giờ đạt được mục tiêu”, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.

Ông Huệ cũng đề nghị Quốc hội đánh giá khách quan tình hình xử lý nợ xấu, đánh giá đúng thực tế không tô hồng, bôi đen. Đồng thời đề nghị một số giải pháp phối hợp thúc đẩy xử lý nợ xấu: Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân tối cao sớm có văn bản đến tòa án các địa phương thực hiện thủ rục rút gọn khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu;Tiếp tục triển khai nợ đọng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.