Bạn cần biết

Phương pháp chữa bệnh hay quên cho người trẻ

10/06/2015, 07:29

Chứng hay quên hiện nay gặp nhiều ở những người trẻ tuổi khiến không ít người lo lắng.

tpm
Giảm trí nhớ xuất hiện ngày càng nhiều ở những người trẻ tuổi (Ảnh minh họa)

Vì sao người trẻ cũng mắc chứng hay quên?

Làm việc căng thẳng: Các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, căng thẳng kéo dài hoặc stress cấp tính, áp lực công việc, rối loạn giấc ngủ có thể làm giảm tập trung chú ý và ảnh hưởng đến trí nhớ. Trên thực tế, nhiều người trẻ tuổi thường gặp khó khăn trong việc nhớ các sự kiện mới và nhớ lại các việc đã qua.

Bệnh lý: Người trẻ đang bị trầm cảm hay những dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt rất hay quên. Mất trí nhớ ở những trường hợp này xảy ra trong những tình huống quá căng thẳng hoặc nguy cấp và thường chỉ bị mất trí nhớ ngắn hạn, tuy nhiên đôi khi cũng bị mất trí nhớ dài hạn. Người mắc bệnh gan, thận mạn tính mà không biết hoặc bệnh phổi mạn tính gây thiếu ôxy não cũng có triệu chứng hay quên.

Bệnh ở não và chấn thương não: Mất trí nhớ tạm thời dễ xảy ra ở những người bị viêm não và viêm màng não. Các nguyên nhân này có thể gây tổn thương vững bền ở não. Tùy theo mức độ tổn thương, người ta có thể mất trí nhớ ngắn hạn hay dài hạn hoặc cả hai. Các bệnh nhân sau đột quỵ, các chấn thương não ở người lớn tuổi như bị máu tụ dưới màng cứng (chấn thương này thường xảy ra khi bị ngã và đập đầu nhẹ vào tường nhưng không biết hoặc ngã trong lúc say xỉn nên không nhớ) cũng gây mất trí nhớ và hay quên.

Ngoài ra, đa số bệnh nhân chấn thương sọ não bị mất trí nhớ ngắn hạn, họ không thể nhớ lại về tai nạn đã qua. Nếu tổn thương não rộng và nặng hơn thì có thể mất cả trí nhớ dài hạn.

Thuốc và chất gây nghiện: Ở người thiếu vitamin B1 dễ bị chứng mất trí nhớ mang tên là hội chứng Wernicke-Korsakoff. Hội chứng này thường thấy ở người thiếu ăn kéo dài hoặc người nghiện rượu.

Chữa khỏi bằng thuốc

Theo báo Sức khỏe & đời sống, chứng hay quên có thể chữa trị khỏi. Nhiều cố gắng của y học đã khẳng định chứng quên ở giai đoạn sớm thì có thể điều trị khỏi hoặc ít ra cũng làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Do đó, khi thấy có biểu hiện quên nên đi khám ngay để được xác định mức độ quên, tìm các yếu tố nguy cơ gây bệnh và điều trị bệnh.

Hiện nay, rất nhiều thuốc điều trị đặc hiệu cho các chứng quên như quên do sa sút trí tuệ, quên sau tai biến mạch máu não, quên thông thường ở người lớn tuổi, quên do các bệnh trầm cảm và stress... Một quan niệm mới về điều trị đã được đưa ra là dùng các thuốc chống thoái hóa não như vitamin E, vitamin C, gingo giloba (được chiết xuất từ cây bạch quả). Đây là những thuốc có tác dụng chống ôxy hóa giúp bảo vệ tế bào, đặc biệt giúp các tế bào não tránh khỏi tác hại của quá trình thoái hóa não. Bên cạnh đó, chúng còn có khả năng cải thiện tuần hoàn não nên cũng được dùng để điều trị chứng quên và suy giảm nhận thức sau tai biến mạch máu não.

Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể luyện tập các môn thể thao, đặc biệt là luyện tập yoga.

Một số thực phẩm hỗ trợ bệnh hay quên

Óc lợn: Sách thuốc cổ viết: “Trư não bổ cốt tủy, ích hư lao, trị thần kinh suy nhược”. Bởi vậy, việc dùng óc lợn cho người mắc chứng hay quên do suy nhược thần kinh là rất thích hợp. Có thể lấy óc lợn 1 bộ, hoài sơn 30g và kỷ tử hấp chín rồi ăn. Đây cũng là một ví dụ minh họa cho thuyết “dĩ tạng bổ tạng” (dùng tạng phủ bổ tạng phủ) của Đông y.

Trứng chim bồ câu: Có công dụng bổ thận tinh dùng rất tốt cho người suy giảm trí nhớ do thận hư kèm theo chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi. Có thể dùng trứng chim bồ câu 5 quả, long nhãn 15g, kỷ tử 15g, đường phèn 25g, trộn đều hấp chín, ăn mỗi ngày 1-2 lần.

Trứng chim cút: Có giá trị dinh dưỡng cao, giàu lecithin, một chất rất cần thiết cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Dùng liên tục mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 quả dưới dạng đánh thành kem trứng.

Quả dâu chín: Đông y gọi là tang thầm, sách Điền nam bản thảo viết: “Tang thầm ích thận tạng nhi cố tinh”. Ngoài ra, quả dâu chín còn có tác dụng bổ huyết, an thần và dưỡng não. Dùng dưới dạng trà hoặc sirô dâu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.