Thế giới

Phương Tây lo khủng bố dịp Giáng sinh, năm mới

13/12/2017, 00:48

Mục tiêu của những phần tử cực đoan là để trả thù Hoa Kỳ vì sự tan vỡ của IS tại Trung Đông.

27

Cảnh sát New York tuần tra quanh khu vực xảy ra vụ nổ bom sáng 11/12

Sau “cú hích lịch sử”, đụng chạm đến cảm xúc và tinh thần của người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Jerusalem, nhiều quốc gia lo ngại các cuộc tấn công khủng bố có thể gia tăng, đặc biệt trong dịp cuối năm, khi mà lễ Giáng sinh đang tới gần.

Cảnh báo từ New York

7h40 sáng 11/12 (theo giờ New York), một vụ đánh bom ống tự sát xảy ra ngay ga tàu điện ở trung tâm Manhattan của New York làm ít nhất 4 người bị thương. Nghi phạm được xác định là Akayed Ullah, một thanh niên 27 tuổi ở Brooklyn. Akayed Ullah là người gốc Bangladesh và đã ở Mỹ được 7 năm.

“Vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công bất ngờ này được đánh giá là còn ở “cấp độ nghiệp dư”, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết như vậy tại một cuộc họp báo gần nơi xảy ra vụ nổ bom. CNN dẫn lời ông Andrew Cuomo nói rằng quả bom tự chế đã không được kích hoạt hoàn toàn, nên thiệt hại đã phần nào được hạn chế.

Các quan chức lo ngại New York và nhiều thành phố khác của Mỹ sẽ tiếp tục có nguy cơ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công “đơn lẻ, tự phát”.

Họ cũng trích dẫn lại vụ tấn công ngày 11/9/2001, thảm kịch đã giết chết hơn 2.750 người ở trong 2 tòa tháp đôi tại New York và gần 3.000 nạn nhân khác trong các vụ giết hại liên quan đến tư tưởng cực đoan xảy ra trên toàn thế giới.

Thông tấn Mỹ AP dẫn lời một quan chức điều tra cho biết, nghi phạm đã để tâm nhiều tài liệu liên quan đến các chiến dịch tuyên truyền của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên mạng. Nghi phạm Akayed Ullah chỉ hành động một mình và động cơ là để trả đũa cho các cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ vào IS ở Syria.

Cách đây không lâu, New York cũng đã phải chứng kiến một Halloween “đẫm máu” bởi một vụ khủng bố bằng xe tải, khiến 8 người chết và hơn 15 người bị thương. Kẻ khủng bố lái xe tải, sau khi lao vào làn đường đi xe đạp đã nhảy ra khỏi xe và hét: “Allahu Akbar” (tạm dịch: Thượng đế vĩ đại, là câu nói quen thuộc của các tín đồ Hồi giáo).

Tại Washington, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng, vụ nổ đã tiếp tục làm gia tăng sự cần thiết phải thay đổi chính sách nhập cư, bao gồm cả thị thực gia đình, thứ đã giúp nghi phạm Ullah nhập cư vào Mỹ năm 2011. “Thị thực như vậy là không thích hợp với an ninh quốc gia”, nhà lãnh đạo Nhà Trắng nhấn mạnh.

Liên tiếp các hành động và tuyên bố của ông Trump, bao gồm các cuộc truy quyét và tiêu diệt IS tại Trung Đông, tuyên bố Jerusalem là Thủ đô Israel, thắt chặt chính sách nhập cư, đã khiến các chuyên gia lo ngại các thành phố lớn của Hoa Kỳ, trong đó có New York sẽ là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong thời gian tới.

Mối nguy hại từ “Sói đơn độc”

Theo lời khai của nghi phạm Akayed Ullah, vụ nổ bom ở New York do hắn gây ra được chính hắn lựa chọn địa điểm dựa theo áp phích Giáng sinh, đã làm dấy lên lo ngại nguy cơ khủng bố từ các “sói đơn độc” nguy hiểm khác còn chưa lộ mặt và đang âm thầm chuẩn bị những vũ khí chết chóc. Mục tiêu của những phần tử như vậy là để trả thù Hoa Kỳ vì sự tan vỡ của IS tại Trung Đông.

Trước đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 9/12 đã chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến đánh bật hoàn toàn những phần tử khủng bố IS ra khỏi nước này.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới không lạc quan cho rằng điều đó không có nghĩa cuộc chiến chống khủng bố và tiêu diệt IS đã kết thúc. Tổ chức này vẫn tỏ ra rất nguy hiểm khi nó vẫn đang lợi dụng ứng dụng công nghệ hiện đại làm công cụ tuyển quân ở khắp nơi trên thế giới.

Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước phương Tây đã được đặt vào tình trạng “cảnh báo an ninh cao” do lo ngại các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra vào dịp cuối năm, thời điểm diễn ra hàng loạt các ngày lễ quan trọng trong đó có lễ Noel.

Còn các nhà chức trách Mỹ cảnh báo khách du lịch đến châu Âu trong kỳ nghỉ lễ cảnh giác các cuộc tấn công chết chóc có thể xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người và nh tụ điểm du lịch.

Theo các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ, những phần tử khủng bố hoạt động kiểu “sói đơn độc” thường nhằm vào những dịp lễ và những địa điểm công cộng nơi có tập trung đông người như tàu điện, khu trung tâm thương mại để hành động và mục đích của chúng là gây ra sự hoảng loạn và kinh sợ.

Do hoạt động đơn tuyến, không có mạng lưới, đồng phạm nên âm mưu tấn công của chúng thường khó bị phát hiện. Kiểu tấn công này khiến giới chức châu Âu và kể cả Hoa Kỳ từ lâu đã rất lo ngại bởi thực tế là rất khó ngăn chặn.

Thời gian qua, tại châu Âu, tấn công khủng bố đã trở thành mối đe dọa thường trực. Tháng 7 vừa qua, “lục địa già” đã kinh hoàng chứng kiến tới 3 vụ tấn công chỉ trong vòng 8 ngày. Ít nhất 9 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng xảy ra tại trung tâm thương mại ở TP Munich (Đức) ngày 22/7.

Vài ngày sau đó lại xảy ra vụ tấn công bằng rìu trên tàu hỏa cũng tại nước này khiến 4 người bị thương nghiêm trọng. Còn tại Pháp, 84 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ xả súng ngày 14/7 vừa qua.

Cùng thời điểm này năm ngoái, một kẻ tấn công được IS truyền cảm hứng lái xe tải lao vào chợ Giáng sinh ở Berlin đâm chết 12 người.

Tất cả những vụ tấn công này đều có một điểm chung là được thực hiện bởi những cá nhân riêng lẻ, bị thôi thúc bởi tư tưởng cực đoan.

Lực lượng an ninh hùng hậu cũng khó có thể ngăn chặn vụ việc như thế này. Nó nhỏ lẻ, mơ hồ và hầu như không thể dự đoán trước”, ông Rainer Wendt, Chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Đức một lần nữa tỏ ra quan ngại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.