Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án do Phương Thành Tranconsin thực hiện. Ảnh: Khánh Linh. |
Được biết đến là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành GTVT tiến hành cổ phần hóa (CPH), sau gần 12 năm hoạt động theo mô hình mới, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã đạt được những kết quả vượt bậc, từ quy mô doanh nghiệp đến uy tín và thương hiệu trên thương trường.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin chia sẻ về những thành công đã đạt được, thời cơ và định hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cổ phần hóa - chìa khóa của thành công
Tiền thân là Công ty Xây dựng và dịch vụ GTVT - một doanh nghiệp trực thuộc Công đoàn GTVT Việt Nam, sau gần 12 năm hoạt động theo mô hình CPH, ông có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được của Phương Thành Tranconsin?
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT, năm 2004, Phương Thành Tranconsin tiến hành CPH từ Công ty Xây dựng và Dịch vụ GTVT và bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/7/2004. Đến nay, sau gần 12 năm hoạt động theo mô hình mới, Phương Thành Tranconsin đã có sự phát triển vượt bậc ở mọi mặt.
Từ một doanh nghiệp chủ yếu xây dựng các dự án giao thông quy mô nhỏ lẻ, những công trình cấp thấp, đến nay công ty đã trở thành đơn vị thi công chuyên nghiệp hàng đầu. Điều đó được thể hiện rõ khi Phương Thành Tranconsin đã và đang tham gia thi công ở rất nhiều dự án quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như các tuyến cao tốc: Đại lộ Thăng Long, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn…
Ông Phạm Văn Khôi. |
Để có được điều này, trong những năm qua, chúng tôi đặc biệt quan tâm đầu tư, trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại nhất trong thi công xây dựng các công trình giao thông, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, công ty còn đầu tư các mỏ vật liệu đạt chất lượng tiêu chuẩn để chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu phục vụ quá trình thi công các công trình, dự án đảm bảo chất lượng cao nhất.
Về mặt nhân sự, từ một doanh nghiệp nhỏ với lực lượng lao động chỉ có 107 người (năm 2004), đến nay chúng tôi đã có hơn 600 lao động lành nghề, chất lượng cao. Đặc biệt, doanh thu của đơn vị đã có những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, năm 2004, sản lượng đạt 98 tỷ đồng, năm 2010 đã lên đến hơn 820 tỷ đồng, năm 2013 đạt 955 tỷ đồng thì đến năm 2015, giá trị sản lượng của doanh nghiệp lên tới 1.500 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân người lao động cũng có những bước đột phá: Năm 2004 chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người/tháng thì nay con số này là 10,5 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình hội nhập, Phương Thành Tranconsin rất chú trọng nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Được làm việc với các đối tác, bạn hàng lớn trong và ngoài nước, chúng tôi chọn lọc ra những cách làm hay, mô hình quản lý hiệu quả để áp dụng vào công ty nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có thể nói, bộ máy hoạt động của Phương Thành Tranconsin đã đáp ứng được mục tiêu tinh - gọn - hiệu quả.
Cùng với việc chăm lo cho cán bộ, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm với xã hội. Hàng năm, chúng tôi đều trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để đóng góp vào các quỹ phúc lợi xã hội nhằm chia sẻ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành GTVT chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, sự thay đổi này có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Phương Thành Tranconsin, thưa ông?
Chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của Phương Thành Tranconsin, bởi không cổ phần hóa thì doanh nghiệp không thể huy động được các nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển. Không CPH thì chúng tôi không thể tham gia thi công các gói thầu tại những dự án quy mô lớn sử dụng vốn ODA như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi…
Tiến hành CPH không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ về hướng đi mà còn giúp chúng tôi đưa ra những quyết sách kịp thời để phát triển công ty. Đồng thời, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần giúp cho công tác quản trị doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, người lao động đều ý thức được trách nhiệm của mình đối với công ty, từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn, bởi chỉ những gì bàn tay, khối óc của mình làm ra thì mới không còn tư tưởng ỷ lại, dựa dẫm.
Đầu tư BOT là xu hướng tất yếu
Không chỉ là doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín lớn trong lĩnh vực thi công các công trình hạ tầng giao thông mà Phương Thành Tranconsin còn là đối tác của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại những dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư như: Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, BOT cầu Bạch Đằng, BOT Hạ Long - Vân Đồn… Vì sao doanh nghiệp lại chọn hướng đi này, thưa ông?
Thời gian qua, nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho ngành GTVT ngày càng hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vẫn còn rất lớn. Thực hiện đầu tư các dự án giao thông bằng việc huy động các nguồn lực xã hội là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Bộ GTVT. Nắm bắt xu thế này, cùng với tiềm lực tài chính và năng lực tổ chức thi công sẵn có, chúng tôi đã tìm hiểu, lựa chọn những dự án có hiệu quả để làm nhà đầu tư tại các dự án theo hình thức BOT như: Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng, Hạ Long - Vân Đồn… Hướng đi này vừa đem lại hiệu quả rất lớn cho nhà nước, người dân, lại vừa đem đến công ăn việc làm cho doanh nghiệp. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào việc đấu thầu thi công các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, TPCP thì rất khó duy trì được tăng trưởng.
Từ một doanh nghiệp với doanh thu năm 2004 chỉ vỏn vẹn 98 tỷ đồng, đến nay, Phương Thành Tranconsin đã gia nhập nhóm doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Để có được thành quả to lớn này, là người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp, ông phải đối mặt những áp lực, thách thức gì?
Từng trải qua nhiều vị trí công tác, tôi thấy rằng áp lực công việc nhiều khi lại rất cần thiết, bởi đó chính là động lực để tôi có những ý tưởng bất ngờ, những hành động quyết đoán để đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Những người gắn bó trong ngành GTVT chắc hẳn ai cũng nhớ rõ thời điểm năm 2011 - 2012 khi hàng loạt công trình giao thông bị đình hoãn, giãn tiến độ, các nhà thầu lao đao vì không có vốn để thi công. Khi ấy, Phương Thành Tranconsin trúng thầu rất nhiều dự án sử dụng vốn TPCP, doanh nghiệp đã đầu tư dàn thiết bị máy móc đồng bộ hiện đại, nhưng khi ấy có tới 6 - 7 công trình của chúng tôi trúng thầu nằm trong diện đình hoãn.
Số vốn vay ngân hàng lúc đó lên tới gần 200 tỷ đồng kèm theo lãi suất 20% khiến cho Phương Thành Tranconsin gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hướng sang làm mạnh các dự án ODA để bù đắp lại phần thiếu hụt nguồn vốn của dự án sử dụng vốn TPCP. Chỉ sau thời gian ngắn, Phương Thành Tranconsin lấy lại được thế cân bằng, đẩy lùi khó khăn, tiếp tục phát triển đi lên.
Trong bối cảnh thị trường xây dựng cơ bản giao thông ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, thời gian tới, ông sẽ chèo lái “con thuyền” Phương Thành Tranconsin đi theo hướng nào để tiếp tục phát triển, duy trì uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường?
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng đi làm nhà đầu tư tại các dự án giao thông theo hình thức hợp tác đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham gia đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn WB, ADB, JICA ở trong nước và quốc tế; Mở thêm một số ngành dịch vụ phụ trợ, tiến hành mua bán sáp nhập một số công ty có ngành nghề tương đương để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, lâu dài của doanh nghiệp.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận