Xã hội

Phương tiện nào cho người hồi hương đón Tết?

Hàng năm xảy ra không ít vụ tai nạn liên quan đến việc người dân đi xe máy hàng trăm cây số để về quê đón Tết. Nhưng...

Tháng 7/2021, trong làn sóng hồi hương của người lao động từ TP.HCM về các tỉnh tránh dịch Covid-19 bằng xe gắn máy cũng đã có những câu chuyện đau lòng. Một số người vĩnh viễn không còn được gặp lại người thân, do bị tai nạn giao thông (TNGT) trên đường di chuyển.

Mạo hiểm lên đường

Vẫn biết vượt hàng trăm kilomet trên chiếc xe hai bánh để về nhà không bao giờ là chuyện dễ dàng. Song nữ công nhân Huỳnh Thị Kim Huệ (28 tuổi) vẫn cùng một người bạn lên xe máy từ quận Gò Vấp “trực chỉ” Bình Định. Lý do theo chị Huệ giải thích chính là muốn để dành khoản tiền đi xe khách để mua quà cho gia đình, vừa không phải lo lây nhiễm bệnh nếu đi xe khách đông người.

Nghĩ là làm, hai cô gái trẻ mang theo cả những món đúng khẩu vị nhằm tiết kiệm cả tiền ăn dọc đường. Thay nhau cầm lái suốt 700km, vậy mà cũng mất 16 tiếng đồng hồ họ mới về đến nơi.

img

Hai công nhân được đi tàu hỏa miễn phí về quê đón Tết trong chương trình "Chuyến tàu mùa Xuân" năm 2021 do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức. Ảnh: Quang Phương

Lựa chọn như chị Huệ vốn không hiếm gặp trong thời buổi dịch giã làm ảnh hưởng thu nhập. Nhiều cặp vợ chồng chở theo cả con nhỏ về tận Kiên Giang, Cà Mau. Chỉ có người chồng làm “tài xế” suốt hành trình, vợ ẵm con phía sau nên cứ vài chục cây số thì dừng lại nghỉ. Nắng, gió bụi bặm cũng chưa “ngán” bằng cảnh chiếc xe gắn máy bé tẹo lọt thỏm giữa “vòng vây” xe ô tô các loại. Vậy nên, về đến quê bình an mới thở phào nhẹ nhõm.

Anh sinh viên Trần Công Chánh thì lại khác. Tấm vé xe 0 đồng anh được Trung ương Đoàn và Công ty bia Sài Gòn tài trợ, đưa sinh viên về quê ăn Tết khởi hành sáng 24/1 đã được anh nhường lại cho người bạn đồng hương có hoàn cảnh khó khăn hơn. Còn bản thân anh Chánh cho biết sẽ “một mình một ngựa”, về Quảng Nam sau đó hai ngày.

Có thể hình dung quyết định về quê bằng xe máy là giải pháp bất đắc dĩ của người lao động. Nhiều người có khả năng mua vé tàu về quê nhưng vẫn chọn xe máy chỉ để phòng dịch. Một số trường hợp khác dù rất ít đó là bởi có “tiền sử” hay bị say xe nếu đi những phương tiện khác. Tuy nhiên, với các thanh niên độc thân dù sao cũng đơn giản hơn những người cùng cả gia đình trên chuyến xe “tự hành” ấy.

Đi bằng tàu hỏa, xe ô tô vẫn tốt hơn

Với tốc độ “phủ sóng” vắc xin ở các đô thị lớn, nhất là khi TP.HCM có hơn ba tuần liên tục là Vùng xanh. Nguy cơ lây bệnh trên phương tiện giao thông rất thấp. Đặc biệt, sau hai năm chống dịch các chủ xe và tài xế đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Do vậy, với những người có khả năng mua vé ô tô khách, sử dụng phương tiện này về quê sẽ là lựa chọn sáng suốt.

Để người dân về quê đón Tết an toàn sau một năm trời vất vả mưu sinh, không thể thiếu sự quan tâm của chính quyền và mạnh thường quân. Điểm sáng trong dịp Tết năm nay chính là vé xe khách không hề tăng giá, dù chắc chắn khi chạy trở vào gần như “xe rỗng”.

Ngành đường sắt sau thời gian dài ngưng hoạt động cũng vẫn hào phóng giảm giá sâu cho khách mua vé tập thể. Thế nên, yếu tố quan trọng giúp người nghèo được về quê miễn phí chính là kêu gọi tài trợ, xã hội hóa vé xe Tết 0 đồng. An sinh xã hội không đơn thuần tặng thực phẩm cho nhân dân mùa dịch, còn là những việc “tiếp sức” khi họ có nhu cầu đoàn viên sau đại dịch.

Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, những chuyến xe 0 đồng ấm tình người cũng đã bắt đầu khởi hành, đưa công nhân về Thanh Hóa đón Xuân. Nhà tài trợ là Công ty sách và thiết bị trường học Tâm Trí Lực còn “lì xì” cho mỗi hành khách 1 triệu đồng và sẽ lo cả khâu “khứ hồi” sau Tết.

Một số địa chỉ nhân ái khác cũng chung tay giúp người lao động giải tỏa nỗi lo đường về quê xa xôi. Dẫu vậy, mới chỉ như muối bỏ biển. Nhiều công nhân, sinh viên rất muốn sum họp cùng gia đình lúc Giao thừa đành phải nén lòng để “trụ” lại thành phố ngày Tết. Ước mơ giản dị của họ chỉ thành hiện thực khi được giúp đỡ phương tiện miễn phí.

Đồng hành với người lao động rất cần có sự chia sẻ của các doanh nghiệp. Vẫn biết đang còn “đuối sức” vì dịch bệnh kéo dài, song việc liên kết với đơn vị vận tải hành khách đường bộ, tổ chức những chuyến xe nghĩa tình cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn được về vui Xuân cùng gia đình cũng rất khả thi. Hành động nhân văn này cũng là nghệ thuật “giữ chân” người lao động tiếp tục gắn bó với công ty sau Tết.

Khi buộc lòng phải về quê bằng xe máy, người dân cần ghi nhớ những qui tắc đảm bảo an toàn tối thiểu nhất. Chỉ nên dùng xe hai bánh khi quãng đường di chuyển không quá 300km. Giữ gìn sức khỏe trước khi lên đường và trong suốt hành trình. Hãy luôn tuyệt đối tỉnh táo khi cầm lái, xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ cần dừng lại nghỉ.

Tuân thủ luật giao thông, làm chủ tốc độ, đừng bao giờ quên rằng với TNGT sẽ không có chỗ cho việc rút kinh nghiệm. Càng gần Tết, nhiều người càng có tâm lý vội vàng, gấp gáp, vì thế cũng dễ hiểu khi số vụ va chạm giao thông cũng nhiều hơn ngày thường.

Sau cùng, trường hợp quê hương quá xa nơi mưu sinh, trong khi không thể tìm phương tiện về ăn Tết, hãy chọn cách ở lại cùng thành phố đón Xuân. Người thân tại quê nhà dẫu có nhớ nhung, mong ngóng cũng sẽ rất yên tâm khi biết con em mình vẫn được bình an.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.