Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (có hiệu lực từ 1/8/2019), áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 18 của Nghị định quy định xử phạt 3-5 triệu đồng đối với phương tiện thủy du lịch có các vi phạm pháp Luật Giao thông đường thủy và du lịch như: không có hợp đồng vận tải khác du lịch; không trang bị đủ phao cứu sinh; không có bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm; phương tiện trên 20 chỗ ngồi không có thùng rác, không có micro; phương tiện trên 50 chỗ ngồi không có nhà vệ sinh, rèm che nắng. Riêng vi phạm không trang bị đủ phao cứu sinh và phương tiện từ 50 chỗ ngồi không có nhà vệ sinh còn bị đình chỉ hoạt động 1-3 tháng.
Mức phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người điều khiển phương tiện và thuyền viên không bảo đảm theo quy định; sử dụng nhân viên phục vụ khách du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn. Các vi phạm trên còn bị bổ sung hình thức tước quyền sử dụng biển hiệu du lịch 1-6 tháng.
Nghị định 45 quy định, Chánh thanh tra cấp bộ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, thẻ hướng dẫn viên du lịch, quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch, biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch, quyết định công nhận khu du lịch có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Đáng chú ý, mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông được quy định tại nghị định trên cao hơn nhiều so với mức phạt được quy định Nghị định Nghị định 132/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Cụ thể, Nghị định 132 chỉ quy định mức phạt cao nhất chỉ là 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi không trang bị đủ số lượng phao cứu sinh trên phương tiện thủy (áp dụng đối với phương tiện sức chở trên 100 người, khách sạn nổi hoặc tàu lưu trú ngủ đêm). Tương tự, chỉ phạt 2-3 triệu đồng đối với hành vi giao người đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng mà không có hoặc có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn nhưng không phù hợp với loại phương tiện.
Như vậy, mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phương tiện thủy du lịch được quy định tại Nghị định 45/2019 cao hơn 2- 3 lần so với quy định áp dụng chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận