Quản lý

PMU Thăng Long: Cánh chim đầu đàn trong quản lý hạ tầng giao thông

28/08/2018, 08:44

Ban QLDA Thăng Long được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư 4 dự án cao tốc...

16

Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do PMU Thăng Long quản lý đã hoàn thành mở rộng lên 6 làn xe - Ảnh: K.Linh

Được hình thành trên cơ sở hợp nhất Ban QLDA1 và Ban QLDA Thăng Long (cũ), Ban QLDA Thăng Long (PMU Thăng Long) đang là một trong những đơn vị nòng cốt, có năng lực và kinh nghiệm nhất, được ví như cánh chim đầu đàn của Bộ GTVT trong công tác quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiều công trình lớn

Thực hiện chủ trương của Bộ GTVT về việc sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các PMU, cuối tháng 6/2017, PMU Thăng Long hình thành trên cơ sở hợp nhất hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực quản lý các dự án hạ tầng giao thông là PMU1 và PMU Thăng Long (cũ), trở thành PMU có lực lượng lao động dồi dào và đông đảo nhất trong số các PMU trực thuộc Bộ GTVT với hơn 270 người. Đến nay, sau hơn một năm hoạt động theo mô hình mới, PMU Thăng Long vẫn tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những đơn vị nòng cốt, uy tín nhất Bộ GTVT trong lĩnh vực quản lý các dự án hạ tầng giao thông.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của PMU Thăng Long, tại một hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói: “Trong 6 tháng đầu năm 2018, các dự án vốn ODA, vốn TPCP do Ban QLDA Thăng Long đảm nhiệm đang triển khai thi công đều cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Đặc biệt, Ban QLDA Thăng Long luôn đặt chất lượng công trình lên trên hết là rất đáng biểu dương, ghi nhận”.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, ngay khi Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT ban hành nghị quyết, PMU Thăng Long đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại bộ máy chính quyền, tổ chức đoàn thể và bắt tay ngay vào công việc. “Trước đây, PMU1 và PMU Thăng Long đều là những ban có nhiều kinh nghiệm và năng lực quản lý các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Mỗi ban có một thế mạnh riêng và chúng tôi phát huy sức mạnh của cả hai ban để thực hiện tốt nhiệm vụ công việc được giao. Đến nay, sau khi tiến hành hợp nhất, năng lực của PMU Thăng Long được tăng lên nhiều”, ông Roãn nói và cho biết, về mặt tổ chức, PMU Thăng Long đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn 18 phòng, ban trước khi sáp nhập còn 10 phòng, ban trên cơ sở vẫn đảm bảo yêu cầu công việc.

Hiện, PMU Thăng Long đang đảm nhiệm triển khai hàng loạt dự án có quy mô lớn sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau từ ODA, TPCP đến các dự án đối tác công - tư (PPP), điển hình là cầu Hưng Hà, cầu Thịnh Long, cầu Đà Rằng, cầu Việt Trì - Ba Vì, dự án đường Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án QL217 giai đoạn 2, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Trong đó, nhiều dự án sắp hoàn thành, đưa vào khai thác, đảm bảo đúng tiến độ như: Cầu Việt Trì - Ba Vì (tháng 9/2018), cầu Hưng Hà (tháng 9/2018), cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (tháng 12/2018)…

Chuẩn bị triển khai 4 dự án cao tốc lớn

Bên cạnh các dự án đang triển khai, Ban QLDA Thăng Long hiện được Bộ GTVT “chọn mặt gửi vàng” khi giao nhiệm vụ thực hiện chuẩn bị đầu tư 4 dự án cao tốc quy mô lớn theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 40.000 tỷ đồng, gồm: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Dầu Giây - Liên Khương và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, hiện cả 4 dự án cao tốc đều đã được trình Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong đó, dự án Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 59,6km, tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự khoảng 6.460 tỷ đồng. Dự kiến, công trình khởi công xây dựng năm 2019 và cơ bản hoàn thành năm 2022. Tương tự, dự án Mai Sơn - QL45 dài 63,37km (TMĐT 13.225 tỷ đồng) đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa cũng dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Một công trình khác thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là Phan Thiết - Dầu Giây đang được Ban QLDA gấp rút triển khai hoàn thiện các thủ tục để Bộ GTVT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, tuyến đường dài 99km, đoạn tuyến nối từ cao tốc đến QL1 dài 2,6km. Dự án được quy hoạch quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng cao tốc 4 làn xe, bề rộng từ 25 - 27m. Tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 15.023 tỷ đồng. “Sau khi được Bộ GTVT thông qua, dự án sẽ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ quý II/2019, khởi công xây dựng vào cuối năm 2019 và hoàn thành sau 36 tháng xây dựng”, ông Lâm cho biết.

Cuối cùng, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23,6km, TMĐT 5.370 tỷ đồng), đầu tháng 7/2018, Ban QLDA Thăng Long đã hoàn thành công tác đánh giá hồ sơ dự tuyển lựa chọn nhà đầu tư và trình Bộ GTVT phê duyệt danh sách nhà đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. “Trong quý III/2018, dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến, đầu năm 2019, công trình sẽ khởi công xây dựng. Đây là công trình đi qua khu vực có địa chất rất phức tạp, nhiều đoạn phải xử lý nền đất yếu nên thời gian thi công dự án chắc chắn phải kéo dài. Dự kiến, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành cùng với các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào năm 2022”, đại diện Ban QLDA Thăng Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.