Tới dự và phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải là hạng mục quan trọng góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững.
PV GAS đã có một dự án quan trọng đi vào hoạt động, mở đường để đưa sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng LNG lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Phó thủ tướng cũng đã chia sẻ những chỉ đạo, định hướng quan trọng dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS, trong đó đặc biệt đề nghị Petrovietnam, PV GAS đẩy nhanh công tác xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 để sớm đưa các chuỗi khí điện LNG Thị Vải đi vào hoạt động đồng bộ.
Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất kho LNG Thị Vải lên ba triệu tấn/năm theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư dự án trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ và các dự án dầu khí trọng điểm khác.
Phó thủ tướng cam kết Chính phủ luôn đồng hành, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất, hỗ trợ Petrovienam, PV GAS phát triển các dự án năng lượng dầu khí; đặc biệt là năng lượng xanh, sạch và bền vững hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư phát triển năng lượng xanh phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sau gần bốn năm toàn lực triển khai, công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải chính thức đi vào hoạt động là thành quả cho những nỗ lực vượt bậc của PV GAS trên hành trình chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững.
Tại buổi lễ, chia sẻ về quá trình triển khai dự án, Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cho biết: Kho LNG 1 MMPTA Thị Vải của PV GAS được xây dựng với mục tiêu hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong đó, đối với ngành công nghiệp khí, Nghị quyết nêu rõ: "Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)", cũng như "Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống".
Với hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam, PV GAS sẽ chủ động hơn về nguồn cung khí đáp ứng nhu cầu năng lượng của các nhà máy điện, hộ tiêu dùng hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 và xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh toàn cầu.
Bên cạnh Kho cảng LNG Thị Vải, PV GAS quyết tâm hiện thực hóa Trung tâm LNG tại Sơn Mỹ và Trung tâm LNG tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng lõi cho ngành công nghiệp khí Việt Nam và PV GAS ngày càng phát triển vững mạnh; thúc đẩy phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong thời gian tới, PV GAS mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ và chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư trong việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, các cơ chế chính sách để ngành công nghiệp LNG có thể phát triển; đồng thời tạo điều kiện cho PV GAS triển khai giai đoạn 2 của dự án nâng công suất lên ba triệu tấn/năm, kịp thời đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện và khách hàng công nghiệp trong khu vực từ năm 2027.
Tại buổi lễ, ông Kim Jungwook - Giám đốc Vận hành toàn cầu Samsung C&T đại diện liên danh nhà thầu EPC cho biết: "Dựa trên bức tranh phát triển năng lượng tại Việt Nam trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, tôi tin việc mở rộng, nâng cấp này là thật sự cần thiết trong tương lai gần".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận