Đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo kiêm Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi khảo sát thực tế và làm việc tại các cơ sở sản xuất của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Tham dự và tiếp đoàn công tác về phía PV GAS do ông Phạm Văn Phong, Phó tổng giám đốc và đại diện Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, lãnh đạo các ban/đơn vị chuyên môn của tổng công ty.
Phó tổng giám đốc Phạm Văn Phong, đại diện lãnh đạo PV GAS báo cáo tình hình thực hiện Nghị Quyết 41
Công nghiệp khí - một trong 3 trụ cột của ngành dầu khí Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung, Tổng công ty Khí Việt Nam nói riêng thời gian qua đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước; ngành công nghiệp khí là một trong 3 trụ cột của ngành dầu khí Việt Nam.
Trong bối cảnh xu hướng xanh hóa các nguồn nguyên, nhiên liệu đang diễn ra rất mạnh trên toàn thế giới, công nghiệp khí được dự báo sẽ đóng vai trò đầu tàu, then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khí Việt Nam tiếp tục phát triển, ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị PV GAS báo cáo và đánh giá một số vấn đề như: tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - các kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là những đề xuất về chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cần Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo.
Đại diện lãnh đạo Ban Kinh Tế Trung ương đề nghị lãnh đạo PV GAS nhận diện, phân tích, làm rõ về bối cảnh và tình hình mới (so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết 41) cũng như tác động mạnh mẽ của các xu hướng chuyển dịch năng lượng đến sự phát triển của ngành công nghiệp khí Việt Nam, qua đó đề xuất những giải pháp tương ứng.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương trong chuyến làm việc tại các cơ sở sản xuất và trụ sở của PV GAS
Báo cáo về kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển ngành dầu khí Việt Nam theo yêu cầu tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo PV GAS cho biết, PV GAS đã cơ bản thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra.
Trong đó, PV GAS đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí hoàn chỉnh, tham gia tích cực và khẳng định được uy tín trên thị trường kinh doanh sản phẩm khí quốc tế; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực quốc gia và xác lập nhiều kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước...
Đề xuất các giải pháp trọng tâm
Bên cạnh những thuận lợi, thành công trong việc triển khai thực hiện nghị quyết 41-NQ/TW, đại diện lãnh đạo PV GAS đã có những đánh giá khách quan và thẳng thắn, báo cáo Ban Kinh tế Trung ương về những khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn của ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Cụ thể, đó là sự suy giảm nhanh của các nguồn khí nội địa trong khi việc tìm kiếm, bổ sung các nguồn khí mới chưa kịp thời; khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhập khẩu và kinh doanh LNG, triển khai chế biến sâu; việc phê duyệt cước phí của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều vướng mắc và có các cách hiểu/quan điểm khác nhau dẫn đến hạn chế cho phát triển các dự án hạ tầng ngành công nghiệp khí; cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án bổ sung nguồn năng lượng mới như khí hydrogen...
Đoàn công tác khảo sát Dự án Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS - doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam được công nhận có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung, nhận diện và phân tích các thách thức nêu trên, qua đó làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trọng tâm theo 3 nhóm vấn đề chính: thứ nhất là hạ tầng công nghiệp khí; thứ hai là cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp chủ đạo, nòng cốt và cuối cùng là định hướng phát triển cho các lĩnh vực nâng cao giá trị của khí như chế biến sâu và hydrogen.
Lãnh đạo PV GAS nhìn nhận rõ đây là những lĩnh vực then chốt cần sự lưu tâm của Ban Kinh tế Trung ương trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án.
Hầu hết ý kiến tại cuộc họp đồng tình với việc đề xuất lãnh đạo Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới và cụ thể cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng.
Kết luận chuyến công tác, ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị PV GAS tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục đánh giá toàn diện các vấn đề theo nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW để bổ sung cơ sở đề xuất, kiến nghị cho Đề án.
Trong đó, các kiến nghị cần tập trung vào 3 chủ đề chính: hạ tầng công nghiệp khí LNG, cơ chế chính sách, phương hướng phát triển các lĩnh vực mới của ngành công nghiệp khí bao gồm chế biến sâu và phát triển hydrogen.
Ông Nguyễn Đức Hiển cũng đề nghị PV GAS sớm cung cấp thông tin, đề xuất chi tiết; Tổ Biên tập xây dựng đề án sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận với đại diện PV GAS để nghiên cứu, chắt lọc tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án trong thời gian sớm nhất trình Bộ Chính trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận