PV GAS tiếp tục lọt top 50 công ty niêm yết tốt nhất VN |
Danh sách 50 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) thuộc 13 lĩnh vực kể cả đa ngành, trong đó có 4 đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của 50 công ty này đạt 829.010 tỉ đồng, chiếm 62,14% giá trị vốn hóa của hai sàn HOSE và HNX cộng lại (tính tới ngày 16/5/2016). Tổng doanh thu đạt 475.546 tỉ đồng, chiếm 37,77% tổng doanh thu toàn thị trường. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 53.482 tỉ đồng, chiếm 53,08% tổng lợi nhuận của cả thị trường.
Trong danh sách này, 4 đơn vị PVN trong Top 50 gồm: Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã chứng khoán: DPM), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty Cổ phần Điện Nhơn Trạch 2 (NT2), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Đây là các công ty có kết quả kinh doanh vượt trội trong ngành, có mức tăng trưởng cao, ổn định và là đơn vị niêm yết có vị thế chủ đạo trên thị trường tài chính với sự minh bạch thông tin, đem lại lợi nhuận rất cao cho nhà đầu tư...
|
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam được xây dựng nhằm mục tiêu cung cấp thông tin về những doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh xuất sắc và đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư; bên cạnh đó cũng nhằm vinh danh và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp.
Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng công ty của Forbes, có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của 5 năm liên tiếp, năm tài chính 2015.
Forbes xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết, được sắp xếp theo từng nhóm ngành. Những cổ phiếu đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô quá nhỏ (giá trị vốn hóa dưới 300 tỉ đồng và doanh thu dưới 150 tỉ đồng…) đều không đủ tiêu chuẩn lọt vào danh sách xem xét sơ bộ.
Ở bước kế tiếp, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2011 - 2015. Tiếp theo, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận