Ông bầu Việt Nam đầu tiên sở hữu CLB châu Âu
Mới đây, nhiều nguồn tin trong nước tiết lộ, PVF đã cùng doanh nhân Nguyễn Hoài Nam mua 60% cổ phần nhà vô địch giải VĐQG Bosnia&Herzegovina - CLB Sarajevo. Như vậy, ông Nguyễn Hoài Nam là người Việt Nam đầu tiên sở hữu một CLB châu Âu. Được biết, số cổ phần PVF và ông Nam mua trước đây thuộc về doanh nhân Vicent Tan (Malaysia).
Báo Giao thông đã liên hệ với PVF để xác nhận thông tin nhưng Quỹ này từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, truyền thông Bosnia& Herzegovina khẳng định, mọi thỏa thuận đã hoàn tất, ít ngày tới đại diện PVF và ông Nguyễn Hoài Nam sẽ sang tiếp quản Sarajevo cũng như ra mắt giới truyền thông. Hiện chưa rõ hướng đi cụ thể của PVF sau khi có quyền sở hữu CLB này.
Về phần mình, Sarajevo (thành lập năm 1946) là một trong những đội bóng hàng đầu Bosnia&Herzegovina, từng 4 lên ngôi vô địch giải VĐQG, 5 lần vô địch cúp Quốc gia. Tuy vậy, ở đấu trường châu Âu, thành tích của đội bóng này rất nghèo nàn. Sarajevo mới 1 lần vào tới vòng 16 đội European Cup (tiền thân của Champions League) năm 1968 và 1 lần vào vòng 16 đội UEFA Cup (tiền thân của Europa League) năm 1983.
Kỳ vọng nhưng vẫn băn khoăn
Vậy, PVF và ông Nam toan tính gì khi mua cổ phần của Sarajevo? Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, đứng ngoài cuộc thì không thể nắm được PVF và doanh nhân Nguyễn Hoài Nam có những toan tính kinh tế trong thương vụ này hay không. Nhưng về mặt chuyên môn đơn thuần, đây có thể coi là tin vui với bóng đá Việt Nam, thể hiện sự quyết liệt trong đầu tư cho bóng đá của ông Phạm Nhật Vượng.
“Việc người Việt Nam sở hữu một đội bóng châu Âu sẽ mang đến những giá trị, tạo ra tầm ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam trên bản đồ thế giới. Thông qua việc sở hữu này, bóng đá Việt Nam có thể tiếp cận dần với trình độ bóng đá châu Âu, từ thấp đến cao. Ngoài ra, đôi bên có thể hợp tác trong công tác đào tạo trẻ theo chuẩn quốc tế”, ông Tùng nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Dù không phải là những đội bóng hàng đầu, tới từ những nền bóng đá hàng đầu châu Âu nhưng chắc chắn giữa họ và ta sẽ có khác biệt rất lớn. Từ việc sở hữu CLB Sarajevo, PVF sẽ học hỏi thêm được mô hình, tổ chức, cách thức làm bóng đá tiên tiến để áp dụng, tạo ra những sản phẩm tốt cho bóng đá Việt Nam. Như gia đình tỷ phú Thán Lan Vitchai mua CLB Leicester ở Anh, hiện tại, đội bóng này hỗ trợ cho bóng đá Thái rất nhiều”.
Ở góc nhìn khác, dù đặt kỳ vọng nhưng bình luận viên Quang Tùng cũng nêu ra hai băn khoăn. “Thứ nhất, với thứ hạng của bóng đá Bosnia, Sarajevo chắc chắn phải tham dự Champions League từ những vòng sơ loại đầu tiên, khả năng rơi rụng cũng rất cao. Còn về giải VĐQG Bosnia, tôi không cho rằng họ ở tầm quá cao so với bóng đá châu Á. Học hỏi thì đương nhiên nhưng sẽ học cái gì mới là vấn đề.
Thứ hai, cầu thủ Việt Nam cứ cho là dễ dàng được sang Sarajevo nhưng chắc chắn vẫn một quá trình để hội nhập. Ông chủ của Leicester City hoàn toàn có khả năng đưa một vài cầu thủ Thái Lan vào đội hình thi đấu ở Ngoại hạng Anh, nhưng sao ông ấy không làm. Vì cầu thủ Thái Lan chưa đáp ứng được yêu cầu. Có thể tương lai sẽ khác nhưng hiện tại thì không. Câu chuyện của PVF và Sarajevo cũng tương tự”, bình luận viên Quang Tùng chốt lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận