Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công thương và Bộ Tài chính một số giải pháp để gỡ khó cho nhà máy lọc dầu trong nước.
Đáng chú ý, PVN đề xuất, để giải cứu các nhà máy lọc dầu (NMLD) trong nước thì các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước cần khẩn trương ban hành và thực thi các cơ chế chính sách nhằm hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong nước sản xuất được trong giai đoạn đặc biệt khó khăn của khủng hoảng kép hiện nay.
Theo PVN, trong quý 1/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng. Tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại hai NMLD Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.
Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép. Các NMLD đang chịu áp lực rất lớn từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho dầu thô) lẫn đầu ra.
Trước thực tế trên, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết đang xem xét tới phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian.
Nguyên nhân là do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải giảm mạnh, kéo theo tiêu thụ xăng dầu thấp, giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm. Dự báo cầu xăng dầu trong nước tiếp tục giảm khi thực hiện cách ly xã hội từ 1/4.
Mặc dù nhu cầu xăng dầu giảm, tiêu thụ xăng dầu trong nước rất khó khăn nhưng theo số liệu báo cáo của Bộ Công thương thì tình hình tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,356 triệu tấn trong khi tổng khối lượng xăng dầu sản xuất trong nước của 2 NMLD là 2,16 triệu tấn (NMLD Nghi Sơn: 1,15 triệu tấn, NMLD Dung Quất: 1,01 triệu tấn), lượng nhập khẩu đã chiếm 39% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Lượng nhập khẩu quá lớn thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.
Bên cạnh những giải pháp, PVN cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu, đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước sau khi dịch bệnh kết thúc được ổn định, an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận