Bộ trưởng Quốc phòng Qatar gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, thống nhất không chấp nhận yêu sách đóng cửa căn cứquân sự của Thổ tại Qatar |
Qatar sẽ bị siết lệnh trừng phạt mới
Các nước Ả-rập do Saudi Arabia dẫn đầu cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc khủng bố, đã đưa ra một danh sách mà họ gọi là “tối hậu thư” bao gồm 13 điều kiện để nối lại quan hệ với nước này và hạn cuối là đêm 2/7. Bản yêu sách đã được chuyển tới Qatar qua nước trung gian Kuwait từ 10 ngày trước. Một trong số những yêu cầu là đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, ngừng viện trợ cho hệ thống truyền hình Al Jazeera…
Trước thời hạn chót, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã tuyên bố bác bỏ những yêu sách trên. Theo ông, yêu cầu từ phía các nước Ả-rập không nhằm mục đích giải quyết vấn đề khủng bố mà chỉ nhăm nhe tước chủ quyền của Qatar.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên tại Thủ đô Rome của Italia, Ngoại trưởng Abdulrahman al-Thani cho biết, nước này vẫn sẵn sàng ngồi lại đàm phán giải quyết những bất bình của những nước láng giềng Ả-rập. “Qatar bác bỏ những yêu sách của các nước Ả-rập. Thay vào đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia đàm phán, cung cấp những điều kiện thích hợp để các bên trao đổi với nhau hơn nữa”, vị Ngoại trưởng nói và nhấn mạnh, không ai có quyền đưa ra tối hậu thư với một quốc gia có chủ quyền.
Không chấp nhận yêu sách đồng nghĩa khả năng cao Qatar sẽ bị áp các lệnh trừng phạt mới. Các nước Ả-rập đe doạ sẽ tăng cường trừng phạt đối với Qatar nếu nước này không chấp thuận và tuân thủ yêu sách 13 điều kiện trên và khăng khăng đây là những điều kiện không cần bàn bạc thêm.
Đại sứ các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tại Nga cho biết, có thể các nước vùng Vịnh yêu cầu các đối tác thương mại của mình phải lựa chọn giữa họ hay Doha, vị Đại sứ UAE bỏ ngỏ. Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao UAE Anwar Gargash gạt bớt khả năng này và cho rằng điều Qatar sẽ đối mặt đó là bị buộc phải rời khỏi liên minh 6 nước Ả-rập (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh).
Càng trừng phạt càng đẩy Qatar về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Iran
Đứng trước khả năng bị siết chặt vòng vây và cô lập hơn nữa, Qatar liên tục có những chuyến thăm, tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để tìm đường thoát. Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammad al-Attiyah đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, hội đàm với người đồng cấp Fikri Isik và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về vấn đề căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar được nêu trong yêu sách của các nước Ả-rập.
Sau cuộc hội đàm, ông Attiyah khẳng định “Doha và Ankara vẫn duy trì quan hệ lịch sử”, đồng thời chuyến thăm của ông nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước”. Tiếp đó, ngày 2/7, hãng thông tấn Tasnim (Iran) cho biết, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran (SNSC) cấp phép, mở không phận cho máy bay chở khách của Qatar trong bối cảnh các nước Ả-rập đóng không phận với Qatar. Các cơ quan liên quan của Qatar đang phối hợp với Bộ Ngoại giao Iran về vấn đề này đã nhận được giấy phép từ SNSC.
Trước khi giấy phép này được công bố, trang Almasdarnews dẫn lời Giám đốc điều hành Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran - ông Ali Abedzadeh cho biết, Qatar Airways đã và đang sử dụng không phận Iran để thực hiện các chuyến bay trong khu vực.
“Trước các cuộc khủng hoảng trong khu vực, ngành hàng không Iran, bằng việc cung cấp các dịch vụ thoả đáng, luôn đi đầu trong việc thúc đẩy cân bằng trong khu vực. Iran đã mở không phận cho Afghan, Iraq, Ukraine trong thời gian xảy ra khủng hoảng, tránh để gián đoạn các chuyến bay trong khu vực. Và nay, trước cuộc khủng hoảng mà Qatar đang đối mặt, Qatar Airways có thể sử dụng không phận Iran để thực hiện các chuyến bay thương mại, ngoại giao”.
Ngoài ra, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ còn tích cực hỗ trợ Qatar hàng tấn thực phẩm. Nếu ba nước Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran xích lại gần nhau thì không chỉ tình hình tại vùng Vịnh mà sẽ tạo ra tình thế chính trị mới trên quốc tế, nhất lại tại Syria nơi Qatar và Iran vốn ở 2 phía đối lập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận