Sáng nay (24/6), trong phiên bế mạc (kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII), QH đã thông qua 1 luật và 4 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
QH giám sát về tình hình oan sai
Với đa số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII; Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII |
Với 94,58% tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2015. Theo đó, tại kỳ họp thứ 9, QH sẽ xem xét về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật…
Cùng với đó, QH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp thứ 10, QH sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; các báo cáo công tác của Ủy ban TVQH, hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật…
Ngoài ra, QH cũng giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.
Cũng trong sáng 24/6, với đa số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không.
"Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh như trên khi trình bày trước QH ngày 5/6 về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII đã thành công tốt đẹp, được đồng bào, cử tri cả nước đón nhận, tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.
“Sau 1 tháng làm việc tích cực, trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7. QH đã thảo luận, đánh giá tình hình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. QH ghi nhận quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ, của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước nhờ vậy đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong ổn định và phát triển đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. QH cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chủ quyền của đất nước đang bị đe dọa, thì nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2014 và những năm tiếp theo là rất khó khăn”, Chủ tịch QH phát biểu.
Chủ tịch QH cũng cho rằng, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. QH đã dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác.
“Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận