Hạ tầng

QL1 qua Khánh Hòa nguy cơ chia cắt do ngập nước

18/01/2021, 06:17

Người dân mong mỏi ngành chức năng sớm có giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước trên đoạn QL1 qua huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh.

img

QL1 đoạn qua Cam Ranh (Km 1.508 + 600) ngập nặng trong cơn mưa chiều 30/11/2020

Từ ngày 19 - 21/1, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ GTVT sẽ kiểm tra và có buổi làm việc liên quan đến các dự án giao thông trên địa bàn Khánh Hòa. Một trong những mong mỏi của người dân là ngành chức năng sớm có giải pháp giải quyết tình trạng ngập nước trên đoạn QL1 qua huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh, ngăn nguy cơ tuyến giao thông huyết mạch này bị chia cắt trong mùa mưa bão.

Vùng thấp trũng trên QL1 đã được cảnh báo

Trung tuần tháng 11/2020, người viết có dịp di chuyển từ TP Nha Trang đến sân bay Cam Ranh. Trời mưa lớn, xe đi được một đoạn thì buộc phải quay lại vì CSGT chắn tất cả các ngả do đường bị ngập sâu hơn nửa mét.

Ông Trần Lệnh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Xây dựng 194, chủ đầu tư công trình cải tạo nâng cấp QL1 (đoạn từ Km 1.488 - Km 1.525) cho biết, năm nào mùa mưa đoạn đường này cũng ngập, nhất là vào tháng 9, tháng 10.

Ngập sâu trên dưới 1m và nước chảy xiết, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Đoạn ngập sâu nhất kéo dài khoảng 10km, từ Km 1.500 - Km 1.510, đoạn qua TP Cam Ranh.

Ông Phạm Văn Thưởng, Phó TGĐ Công ty Đầu tư Xây dựng 194 cho biết, tình trạng ngập trên QL1A qua TP Cam Ranh đã được chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và cả địa phương cảnh báo khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL1 trước đó.

Theo đó, khi bắt đầu thực hiện đầu tư mở rộng nâng cấp QL1 qua TP Cam Ranh (năm 2014), Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South) đã khảo sát và nhận định: Địa hình TP Cam Ranh dốc cao phía thượng lưu, đoạn QL1 qua đây là vùng thấp trũng nên việc thoát nước qua đường ngang phải được chú ý giải quyết.

Theo đó, giải pháp là mở khẩu độ toàn bộ cống ngang lớn hơn để thoát nước. Cụ thể, có 32 vị trí cống ngang cần mở khẩu độ. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ đây là khu dân cư cũ, có nhiều nhà dân xây trên cống. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng để mở rộng khẩu độ cống rất khó khăn.

Ngoài ra, một khó khăn nữa là việc mở rộng khẩu độ các cống ngang nằm ngoài phạm vi dự án nâng cấp, mở rộng QL1 nên tư vấn thiết kế cùng địa phương và nhà đầu tư cố gắng lắm cũng chỉ có thể cải tạo 16 vị trí cống, với giải pháp nạo vét, kè đá chứ không thể mở rộng khẩu độ được. Việc này chỉ giải quyết được phần nào vấn nạn ngập khi trời mưa.

Tuổi thọ công trình giảm, thiệt hại lớn

Hiện nay, mỗi khi mưa ngập, ngoài việc đóng đường, lực lượng công an TP Cam Ranh, dân quân và công an các phường, xã lại được huy động (trên dưới 100 người) phối hợp với ngành giao thông và Công ty 194 tổ chức tiêu thoát nước bằng giải pháp dùng xe cơ giới tháo dỡ các dải phân cách để nước… tràn qua đường, chảy về phía biển. Việc này tác động rất xấu đến chất lượng đường sá.

Ông Trần Lệnh Phú cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến QL1 qua Khánh Hòa dài 38km với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập nước, đoạn tuyến trên vẫn đảm bảo lưu thông trong điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, về lâu dài, với tình trạng ngập nước vào một số tháng mùa mưa bão, công trình sẽ nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và thiệt hại về kinh tế, xã hội.

“Nếu năm nào cũng ngập sâu cả mét thì tuổi thọ công trình sẽ giảm là điều chắc chắn”, ông Trần Lệnh Phú cảnh báo và cho rằng, nếu không có giải pháp xử lý việc tiêu thoát nước, năm nào QL1 đoạn qua Khánh Hòa cũng sẽ bị chia cắt. Nguy cơ mất ATGT và thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Phú, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần khẩn trương cảnh báo và báo cáo lên Bộ GTVT về thực trạng đoạn tuyến QL1 này, từ đó tỉnh Khánh Hòa cùng Bộ GTVT có giải pháp mở rộng khẩu độ cống ngang.

Giải pháp này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân (di dời nhà dân) nhưng để đảm bảo an toàn cho tuyến đường huyết mạch, các cơ quan liên quan cần tìm giải pháp phù hợp để sớm xử lý bất cập trên đoạn QL1 qua Khánh Hòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.