Với 39 mũi thi công, Dự án mở rộng 37 km QL1 qua Ninh Thuận hoàn toàn có thể cán đích đúng tiến độ |
Đảm bảo tuyệt đối an toàn
Dự án mở rộng QL1 qua Ninh Thuận có tổng mức đầu tư hơn 2.110 tỷ đồng để xây dựng 37 km chiều dài của tuyến (chia làm 5 đoạn nằm xen kẹt với các đoạn thuộc dự án sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, trải dài trên tuyến 65 km). Bề rộng nền đường là 20,5 m bao gồm bốn làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp.
Riêng những đoạn qua khu đô thị và khu đông dân cư tập trung hai bên đường có xây dựng hệ thống thoát nước dọc. Trên tuyến đường này có tổng số 35 cầu và 9 cống phải xây mới. Đến nay, 100% số vốn của chủ sở hữu đã được nhà đầu tư CII thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.
So với các dự án mở rộng QL1 ở những địa bàn khác, dự án 37 km tại Ninh Thuận theo hình thức hợp đồng BOT triển khai chậm hơn một năm. Mặc dù vậy, nhà đầu tư CII và các đơn vị tham gia dự án khẳng định, họ có đủ năng lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ (nếu công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng và di dời các đường ống nước hoàn thành trước ngày 15/3/2015). Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay, các đơn vị thi công vẫn chưa thể nhận đủ mặt bằng “sạch” khiến nhân lực, vật lực phải “nằm chờ” một cách rất lãng phí... |
Công trình được thi công từ giữa tháng 10/2014. Hiện nay, dự án đang được triển khai bởi 25 đội thi công (phần đường 14 đội, phần cầu 11 đội), với 39 mũi thi công trên 18 km gồm các đoạn mặt bằng đã bàn giao và không vướng các đường ống cấp nước với các phần việc chủ yếu như: Thi công bóc đất hữu cơ, đào đất khuôn đường, đắp nền đường K95, K98 và cấp phối đá dăm loại 2, thi công 14/35 cầu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại diện TVGS (Viện Khoa học Công nghệ GTVT), đến nay dự án này chỉ mới thực hiện thời gian chưa dài. Mặc dù vậy, phía TVGS vẫn thường xuyên có 10 cán bộ, nhân viên bám trụ trên các công trường, đảm bảo để chất lượng các công trình đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ GTVT.
Chất lượng vật tư, vật liệu, các hạng mục thi công được kiểm soát chặt chẽ theo đúng trình tự, quy định. Cùng đó, Chủ đầu tư thường xuyên cử cán bộ kiểm tra hiện trường, phối hợp với TVGS, TVTK xử lý ngay những khó khăn vướng mắc...
Suốt dọc chiều dài trên tuyến, Công ty BOT Ninh Thuận đặc biệt chú trọng và thực hiện nghiêm công tác đảm bảo ATGT. Hệ thống rào chắn, cọc tiêu, biển cảnh báo có phản quang được bố trí đầy đủ theo đúng quy định. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo ATGT của các đơn vị thi công trên QL1, bởi đây là tuyến “huyết mạch” trọng yếu. Nhà đầu tư, Công ty BOT Ninh Thuận và đơn vị thi công đã làm rất nghiêm túc, từ việc bố trí rào chắn, biển báo đến công tác bảo dưỡng mặt đường hiện hữu… đều được thực hiện rất tốt, vì vậy đã hạn chế và giảm đáng kể TNGT”, ông Trương Bình Hanh, Phó Giám đốc Sở GTVT kiêm Chánh Văn phòng Ban ATGT Ninh Thuận cho biết.
Chậm bàn giao mặt bằng
Dự án vướng phải công tác GPMB đi qua địa bàn bốn huyện, 11 xã với khoảng 1.742 hộ bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, có 1.407 hộ được xác định bị ảnh hưởng thu hồi đất và tài sản trên đất trừ các khu vực đông dân cư, gồm Thị trấn Phước Dân và khu dân cư Lương Cách thuộc xã Hộ Hải (khoảng 4 km).
UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt chỉ đạo công tác GPMB, theo đó đến tháng 12/2014 các địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư và đơn vị thi công mới nhận được 29,5/37 km, nhưng trên thực tế thì chỉ thi công được 19 km/29,5 km, còn lại 10,5 km vướng đường ống nước sinh hoạt nông thôn, những đoạn dân cản trở và da beo. Trong khi đó, theo quy định của Bộ GTVT, công tác GPMB phải bàn giao 10 km liên tục và sạch mới triển khai thi công.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh Ninh thuận để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch và tránh trường hợp dân tái lấn chiếm khu vực đã bàn giao, chủ đầu tư đã tổ chức triển khai thi công trên những khu vực đã nhận mặt bằng. “Cái khó là mặt bằng ở dạng da beo, có khu vực địa phương đã bàn giao nhưng người dân cản trở không cho thi công, vướng hệ thống đường ống cấp nước… khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai đồng bộ. Thời gian qua chúng tôi đã huy động, tập kết số lượng lớn thiết bị máy móc nhưng phải nằm chờ hoặc thi công không hết công suất của máy móc thiết bị làm tăng chi phí thi công và gây lãng phí lớn, không đẩy nhanh được tiến độ thi công…”, ông Phạm Thế Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận nói.
Để dự án đảm bảo đúng tiến độ, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Công ty CP cấp nước Ninh Thuận di dời ngay đường ống nước ra khỏi phạm vi của dự án và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thi công…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận