Đồng thời , tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương nhanh nhất.
Xóa “điểm nghẽn”, lan tỏa kết nối
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, QL15D đoạn từ đường HCM nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay nhiều đoạn cong dốc, mặt đường khá hẹp, chỉ cần một xe ô tô gặp sự cố là cả đoàn xe ô tô phải “xếp hàng” chờ thông tuyến. Đặc biệt, cầu La Hót và cầu tràn Đắkrông trên đoạn tuyến này thường bị ngập khi mưa lũ, gây ách tắc giao thông.
Theo quy hoạch, tuyến đường QL15D dài khoảng 92km gồm: đoạn từ đầu tuyến tại biển nước sâu Mỹ Thủy đến QL1 dài khoảng 14km, đi theo đường cũ hiện có; đoạn từ QL1 đến đường HCM nhánh Tây (42km) - đoạn tuyến xây dựng mới; đoạn tuyến đi trùng với đường HCM nhánh Tây hiện có (24km) và đoạn tuyến QL15D từ đường HCM nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay 12km.
QL15D khi được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, góp phần hoàn thiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo ATGT; kết nối mạng lưới đường bộ của Việt Nam với vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư vào khu vực và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị...
Với vị trí chiến lược và tầm quan trọng của tuyến đường này, tỉnh Quảng Trị những năm qua đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, QL15D vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Tháng 11/2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét đầu tư xây dựng QL15D, tỉnh Quảng Trị từ nguồn vốn ADB tài khóa 2019- 2021.
Sau khi rà soát, Bộ GTVT đề nghị sử dụng vốn ADB để đầu tư xây dựng 54km nối thông tuyến QL15D, tỉnh Quảng Trị nhằm hình thành tuyến đường ngang kết nối từ biển Đông (cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng), kết nối các trục dọc huyết mạch của quốc gia như: QL1, cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan - Quảng Ngãi, đường sắt Bắc - Nam đến cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối tuyến đường chiến lược QL15B của nước bạn Lào (hiện trạng tuyến đường có nền đường rộng 12m, mặt đường bê tông nhựa rộng 11m) đến Nam Lào, Đông - Bắc Thái Lan, qua Myanmar đến Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km).
Rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển hàng hóa
Dự án đầu tư xây dựng QL15D là dự án đầu tư phát triển GTVT thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu và cần thiết, có tính kết nối, lan tỏa; có tính sẵn sàng cao về tài liệu nghiên cứu, chuẩn bị dự án. Ngày 8/3/2019, trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và ADB về chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020- 2022, Đoàn Chương trình quốc gia của ADB (Đoàn CPM) đã đi kiểm tra, khảo sát hiện trường Dự án đầu tư xây dựng QL15D, tỉnh Quảng Trị, tuyến kết nối QL15B của nước bạn Lào và Đoàn CPM đã thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng, sớm hình thành tuyến QL15D.
Theo ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị, 54km được UBND tỉnh đề nghị đầu tư xây dựng, gồm các đoạn từ QL1 đến đường HCM nhánh Tây (42km) và đoạn từ đường HCM nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay (12km). Các đoạn tuyến được nghiên cứu xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, IV phù hợp với quy hoạch và đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng.
Với các đoạn tuyến trên, khi được đầu tư sẽ rút ngắn hành trình từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang triển khai xây dựng lên cửa khẩu quốc tế La Lay hơn 62km so với phải đi đường vòng hiện nay. Đồng thời, sẽ tạo thành một trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, tăng cường giao thương hàng hóa qua cửa khẩu La Lay, kết nối khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung của Việt Nam với khu vực Nam Lào, Đông - Bắc Thái Lan và hình thành tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Bên cạnh đó, QL15D kết nối tuyến đường chiến lược QL15B của nước bạn Lào đến Nam Lào, Đông - Bắc Thái Lan, qua Myanma đến Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km). Hàng hóa vận chuyển từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương sẽ vận chuyển theo đường bộ khoảng 1.300km, rút ngắn thời gian và khoảng cách vận chuyển rất lớn do không phải đi qua eo biển Malacca và tạo ra hành lang quan trọng theo hướng Đông - Tây, kết nối Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương nhanh nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận