Hạ tầng

QL20 đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc khơi thông cửa ngõ lên Tây Nguyên

08/12/2015, 08:23

QL20 đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc hoàn thành vượt tiến độ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

IMG_7217
QL20 đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, khách du lịch lên TP Bảo Lộc, Đà Lạt.

QL20 qua hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc sau khi được khôi phục, cải tạo đã phát huy hiệu quả cao trong việc phát triển kinh tế-xã hội Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên.

Người dân vui mừng

Vào một buổi sáng cuối tháng 11, sau nhiều tháng quay trở lại và PV có dịp đi dọc tuyến QL20 đoạn từ Dầu Giây đến TP Bảo Lộc một cảm nhận hoàn toàn khác lạ so với trước. Quan sát cho thấy nay đường đã được thảm nhựa nên các phương tiện lưu thông êm thuận, từng đoàn xe khách, du lịch, ô tô… ngược xuôi hướng về TP Đà Lạt. Hai bên đường nhiều cây xăng, trạm dừng chân mới đang mọc lên nhằm phục vụ khách thập phương. Nhiều du khách từ TP HCM đã lâu không lên Đà Lạt nay có dịp trở lại đều không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay diện mạo của tuyến đường từng nổi tiếng xuống cấp này.

Theo nhiều tài xế xe khách tuyến TP HCM-Đà Lạt từ ngày đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và QL20 hoàn thành nâng cấp, cải tạo do đường êm thuận lượng hành khách tăng lên đáng kể. Ngoài ra do tiết kiệm được thời gian chi phí, xăng dầu và thời gian quay vòng chuyến nhanh hơn nên công việc làm ăn khấm khá hơn trước rất nhiều.

Ông Đinh Ngọc Tự (50 tuổi), một người dân xã Phú Lợi (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) hồ hởi nói: “Hơn 2 năm trước tuyến đường QL20 xuống cấp trầm trọng, đường đầy "ổ gà, ổ voi" mưa xuống thì ngập nên việc đi lại của người dân rất vất vả. Nay đường được thảm nhựa phẳng lì, việc chở hàng hóa nông sản giao thông thuận lợi hơn trước, chúng tôi mừng lắm”.

Anh Nguyễn Văn Thắng một hành khách thường xuyên đi công tác Bảo Lộc và TP Đà Lạt cho biết, anh là cán bộ ngành Xây dựng thường xuyên lên Đà Lạt công tác, trước đây mỗi lần lên Đà Lạt phải mất hơn 8 tiếng mới đến nơi do đường xấu. “Nay QL20 đường đã được sửa chữa êm thuận, nằm trên xe không lo đường xóc, thỏa thích ngắm cảnh… tùy theo mật độ xe hành trình đã được rút ngắn còn chỉ khoảng 5-6 tiếng tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trước”, anh Thắng cho hay.

IMG_7195
Một đoạn QL20 qua tỉnh Đồng Nai.

Dùng vốn dư đầu tư tuyến tránh, cầu vượt

Ông Đỗ Ngọc Dũng-TGĐ Công ty CP BT20 cho biết: Cùng với tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và dự án nâng cấp QL20 hoàn thành đưa vào khai thác, đã rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, trung bình thời gian lưu thông từ TP HCM đi TP Bảo Lộc từ 5h nay chỉ còn 3h. Việc cải tạo QL20 hoàn thành ngoài việc rút ngắn thời gian từ TP HCM-Đà Lạt, có ý nghĩa quan trong việc phục vụ sản xuất công nghiệp, khai thác boxit, vận chuyển nông sản. Việc rút ngắn tiến độ đã tiết kiệm được kinh phí và trượt giá.

Được sự chấp thuận của Bộ GTVT Nhà đầu tư đã làm việc và được Nhà tài trợ chấp thuận về nguyên tắc sử dụng phần vốn còn lại nguồn vốn dư Nhà đầu tư đang tích cực làm việc với hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng về công tác mặt bằng để đầu tư Nút giao Dầu Giây và xây dựng tuyến tránh TP Bảo Lộc.

Ông Hoàng Tuấn Khoát-Phó TGĐ Ban QLDA 7 cho biết: Mặc dù công tác tổ chức thi công trên công trường gặp nhiều khó khăn, như: tuyến dự án chạy dài, mặt bằng thi công chật hẹp, tuyến vừa thi công vừa phải đảm bảo ATGT khiến quá trình thi công gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng trong công tác GPMB và quyết tâm cao của tổ hợp Nhà đầu tư các nhà thầu đồng tâm hiệp lực phấn đấu đã thông xe vượt tiến độ 7 tháng so với kế hoạch ban đầu.  

IMG_7212
Cầu La Ngà mới khơi thông "nút thắt" trên QL20 đoạn qua Đồng Nai.

Dự án khôi phục, cải tạo QL20 theo hình thức BT có điểm đầu là ngã ba Dầu Giây tại Km 0+00 của QL20 (giao QL1 tại Km 1832+400), thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối dự án là Km 123+105,17 của QL20 (giao với ĐT 725) thuộc địa phận thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài dự án là khoảng 109,5 km.             

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.