Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của lực lượng quản lý thị trường.
Báo cáo tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT)” chiều nay (21/1), Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, năm 2020, lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; Thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 136 tỷ đồng; Trị giá hàng hoá vi phạm trên 392 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2020, lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; Đã xử lý 26 vụ; Đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính…
Dù vậy, theo ông Linh, tình hình buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, phương thức rất tinh vi.
“Có thể nói trong thời đại công nghệ “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Đặc biệt, việc sử dụng thương mại điện tử “muôn hình vạn trạng” khó kiểm soát khi lực lượng còn mỏng và sự tiếp thu công nghệ còn hạn chế khi chưa được đào tạo chính quy", ông Linh nói.
Đánh giá hoạt động của lực lượng QLTT năm qua, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia cho rằng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phải xây dựng bộ máy cho liêm chính, tinh nhuệ làm việc như đội chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan để nâng cao chất lượng của nghành.
“Năm nào cũng có những sự cố rất đáng tiếc như mấy năm trước ở Nghệ An, rồi đến Sóc Trăng và mới đây thì sự việc trên Phú Thọ nên cần làm việc liêm chính để tránh sai sót”, ông Thế cho hay.
Cũng theo ông Thế, năm qua, số vụ vi phạm giảm nhưng thu ngân sách nhà nước tăng cho thấy lực lượng QLTT đã quyết liệt trong phát hiện xử lý những vụ việc lớn. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, ông Thế cho rằng lực lượng QLTT cần đề xuất cơ chế chính sách cho việc kiểm soát vi phạm trên thương mại điện tử.
Hơn nữa, phải tìm giải pháp thực hiện tinh gọn bộ máy nhưng phải đảm bảo được hiệu quả công việc khi thực tế số người mỗi đơn vị chỉ khoảng 6-7 người nhưng phải phụ trách tới 2 khu vực có bán kính hàng chục kilomet.
Bên cạnh đó, cần nâng cao công nghệ, liên kết với các cơ quan chức năng liên ngành để cùng phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo nhanh, kịp thời...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận